Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2023 – Niềm tin và khát vọng mới của người dân Hà Tĩnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị
Tham dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Mục tiêu tổng quát mà quy hoạch đặt ra là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021- 2030 đạt trên 9%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 32,6%. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4,0 tỷ USD. Năng suất lao động tăng 11,3%/năm. Mức thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân khoảng 14 - 15%/năm, tỉ lệ thu ngân sách bình quân so với GRDP là 27%/năm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 750 - 800 nghìn tỷ đồng. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 0,6 - 1%/năm.
Bốn ngành kinh tế trọng điểm của Hà Tĩnh là: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.
Quy hoạch xác định ba trung tâm đô thị: Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh; Trung tâm đô thị phía bắc là thị xã Hồng Lĩnh; Trung tâm đô thị phía nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh.
Ba hành lang kinh tế là hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển; hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; hành lang kinh tế trung du và miền núi phía tây gắn với đường Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chúc mừng các doanh nghiệp được trao Giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Tại Hội nghị, đại diện các đối tác, tổ chức quốc tế, chuyên gia và các nhà đầu tư trình bày tham luận nêu bật tiềm năng, lợi thế của Hà Tĩnh; những gợi ý, kiến nghị để Hà Tĩnh phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, qua đó hiện thực hóa các mục tiêu đã được nêu ra tại quy hoạch tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh là sự kiện rất có ý nghĩa, là "cú hích" có sức lan tỏa về tư duy phát triển, về tầm nhìn và thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay, không chỉ riêng cho Hà Tĩnh mà cho cả các tỉnh Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung bộ… nói chung.
Hà Tĩnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; bờ biển dài 137 km với các bãi biển đẹp; nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được UNESCO ghi danh. Đây còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, quê hương của 2 đồng chí Tổng Bí thư của Đảng, quê hương của Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du; người dân Hà Tĩnh luôn đoàn kết, nghĩa tình, tương thân, tương ái, yêu quê hương, đất nước, kiên cường, dũng cảm, hiếu học, có ý chí vượt khó, vươn lên.
Tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối với Lào, Thái Lan, nằm trên các tuyến giao thông trục Bắc - Nam; có 2 khu kinh tế trọng điểm quốc gia là Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; cảng Vũng Áng - Sơn Dương là một trong những cảng nước sâu lớn nhất khu vực, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu, logistics liên vùng và quốc tế. Đây là lợi thế rất lớn của Hà Tĩnh.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh duy trì ở mức cao qua các thời kỳ (giai đoạn 1991-2022 đạt trên 9%/năm); quy mô nền kinh tế năm 2022 đạt gần 93.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 70,5 triệu đồng. Hà Tĩnh là điểm sáng xây dựng nông thôn mới của cả nước…
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu: "Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững", với một số mục tiêu lớn như: Đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới vào năm 2025; đến năm 2030, thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cần hết sức khẩn trương, nhanh chóng tập trung các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trong quy hoạch tỉnh; tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, định kỳ rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.
"Người dân và doanh nghiệp phải thấy quy hoạch này, hình dung đến năm 2030, Hà Tĩnh sẽ như thế nào, từ đó có khát vọng, có niềm tin; nhà đầu tư biết sẽ đầu tư vào đâu… Do đó, tỉnh phải công khai quy hoạch để cho người dân được biết. Đây cũng là hình thức để người dân, doanh nghiệp giám sát việc quản lý, thực thi quy hoạch", Chủ tịch Quốc hội nói.
Tỉnh cần khơi dậy, phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương; quan tâm an sinh xã hội; tăng cường đầu tư cho y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần…
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch…
Các nhà đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu tiềm năng của vùng Bắc Trung Bộ nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, qua đó tìm kiếm và mở rộng cơ hội đầu tư; tích cực sớm triển khai các dự án đầu tư theo các nội dung, thỏa thuận đã được ký kết, với những sản phẩm, công trình cụ thể để chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của tỉnh thành các động lực phát triển.
Tại Hội nghị, với 15 dự án được ký kết có tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng; 25 bản ghi nhớ hợp tác có tổng mức đầu tư hơn 210 nghìn tỷ đồng sẽ góp phần tạo động lực, dư địa mới cho tỉnh. Để thực hiện quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, tỉnh Hà Tĩnh cam kết sẽ làm hết sức mình để đánh thức các tiềm năng, lợi thế, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh.
BBT