Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |   

VAI TRÒ CỦA LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG VIỆT NAM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

  

00:24 11/07/2018

I. SỰ RA ĐỜI, TINH THẦN VÀ TRUYỀN THỐNG CỦA THANH NIÊN XUNG PHONG VIỆT NAM

          Các đây tròn 68 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Đảng đoàn Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam huy động lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, là con em bần cố nông và trí thức lao động, lý lịch tốt, có tinh thần hăng hái để thành lập các đội “Thanh niên xung phong”, làm các nhiệm vụ, góp phần cùng bộ đội và toàn dân chiến thắng địch trên các chiến trường. Tư tưởng của Người về Thanh niên xung phong ngay từ ban đầu là vừa phục vụ kháng chiến hiện tại, vừa làm nhiệm vụ kiến quốc khi kháng chiến thành công. Ngày 15/7/1950, Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương được thành lập - đó là tiền thân của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam; Từ đội ngũ ban đầu chỉ có 225 cán bộ, đội viên, ngay sau đó đã lên đến ba, bốn chục ngàn người.

          Khi lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam được ra đời hăng hái làm nhiệm vụ và góp phần quan trọng trên các chiến trường, ngày 28/3/19511­, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Liên phân đội 312 - Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đang làm nhiệm vụ tại Cầu Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng các đội viên bốn câu thơ:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”2

          Tư tưởng sáng suốt, độc đáo, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong và ý nghĩa bốn câu thơ của Người là lịch sử, là kim chỉ nam, hun đúc tinh thần hăng hái, yêu nước cho Thanh niên xung phong và các thế hệ trẻ Việt Nam. Ngay sau khi được thành lập, Thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và lập công to lớn trên các chiến trường, chiến dịch lớn như: Biên Giới, Tây Bắc, Việt Bắc, Trung Du, Hòa Bình, Bình Trị Thiên, Liên khu 5, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, ,… Điển hình như các Đội Thanh niên xung phong chủ lực ở miền Bắc:

          - Đội 34 và Đội 40 có 16.000 người làm nhiệm vụ tại mặt trận Điện Biên Phủ, đã mở hàng trăm km đường, vận chuyển hàng ngàn tấn quân trang, vũ khí, lương thực, cáng tải hàng trăm thương binh, tử sĩ, rà phá trên 100 quả bom, mìn, cứu được 10 xe đạn đại bác của ta khi bị địch bắn phá. Khi chiến sự diễn ra ác liệt, 8.000 thanh niên xung phong chuyển sang bổ sung cho quân đội. Khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lực lượng thanh niên xung phong cờ thi đua mang dòng chữ “Dũng cảm, lập công xuất sắc”. Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khen ngợi và cho rằng: ở Điện Biên Phủ, nếu không có Thanh niên xung phong thì bộ đội cũng gặp nhiều khó khăn. Lực lượng Thanh niên xung phong Điện Biên Phủ và 4 chiến sĩ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

          - Đội Thanh niên xung phong 36 với 2500 đội viên đã vinh dự được phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ ở An toàn khu Việt Bắc (ATK), làm các nhiệm vụ tham gia bảo vệ, đào hầm, hào trú ẩn, xây dựng và bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc, làm nhà ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo, xây dựng hệ thống giao thông đặc biệt của ATK, vận chuyển lương thực, thực phẩm từ nơi xa về An toàn khu. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đội được điều động về tham gia tiếp quản Thủ đô Hà Nội - 1954. Đội Thanh niên xung phong 36 và đồng chí Đội trưởng Tạ Quang Chiến được trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên có một số đội viên đã được Người đặt tên trong cụm từ: “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi”.

          Thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ Bắc đến Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, lập thành tích to lớn trên các chiến trường, để lại tấm gương, tinh thần dũng cảm cho các thế hệ Thanh niên xung phong Việt Nam sau này.

 

          II. VAI TRÒ CỦA LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG VIỆT NAM - TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

          Từ cuối năm 1964 đầu năm 1965, trước sự suy sụp nghiêm trọng của quân đội và chính quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ đã trực tiếp đưa quân vào miền Nam, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, tức là chuyển từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh Cục bộ” để xâm lược Việt Nam. Cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược trở thành “cuộc đụng đầu lịch sử”.

          Theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam với tinh thần quyết tâm đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng thanh niên  bừng bừng khí thế dấy lên các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” (ở miền Bắc), “Năm xung phong” (ở miền Nam) để góp phần cho sự nghiệp “chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi”.

          1. Sự ra đời của Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước

          Để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Thời kỳ này khí thế trong thanh niên cả nước rất sôi nổi:

- Ở miền Bắc, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam phát động phong trào “ Ba sẵn sàng”, đó là:

          + Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm và sẵn sàng nhập ngũ (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ);

          + Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào;

          + Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến.

          - Đồng thời ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân Cách mạng miền Nam, Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng cũng phát động phong trào “Năm xung phong” là:

          + Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch;

          + Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh;

          + Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến;

          + Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính;

          + Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.

          Phát huy truyền thống của thế hệ Thanh niên xung phong chống Pháp, để có lực lượng cơ động đặc biệt thường trực phục vụ bội đội chiến đấu và khi cần thiết tham gia chiến đấu, mở đường, bảo đảm giao thông phục vụ các chiến trường, được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao nhiệm vụ, Trung ương Đoàn phát động phong trào gia nhập Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước. Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71/TTg-CN về thành lập các Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước.

          Ngay sau đó đã có 14 vạn nam, nữ cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong gia nhập 170 đội và 50 đại đội trực thuộc với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ ngày 17 - 26/3/1965, Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam lần thứ nhất đã đề ra phương hướng hoạt động cho phong trào thanh niên. Ngay sau đó ngày 20/4/1965, đơn vị Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam đầu tiên được thành lập, bước đầu có quân số 108 cán bộ, đội viên; tiếp tục phát triển thành Tổng đội Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam với quân số gần 5.000 người để phục vụ các Sư đoàn bộ đội chủ lực và làm nhiệm vụ hậu cần cho quân giải phóng ở miền Đông Nam Bộ; đồng thời thành lập các đơn vị Thanh niên xung phong tập trung với gần 5.000 người phục vụ bộ đội chủ lực ở khu, tỉnh; nhiều nơi cũng đã phát triển Thanh niên xung phong huyện, xã (Thanh niên xung phong cơ sở). Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam đã có lực lượng hùng hậu với 4,5 vạn nam, nữ cán bộ, đội viên phục vụ ở các chiến trường.

          2. Hoạt động và những chiến công của lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước

          2.1.  Về hoạt động:

          Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước cả nước từ năm 1965 – 1975 có trên 271.000 đội viên đã có mặt trên tất cả các chiến trường, các địa bàn trọng điểm của cả nước để làm các nhiệm vụ: Mở đường, bảo đảm giao thông; phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu; tháo gỡ bom mìn; cáng tải thương binh, tử sĩ; vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, hậu cần; thu dọn chiến trường.

          Đây là lực lượng luôn luôn kề vai sát cánh cùng với bộ đội, trực tiếp đảm đương các nhiệm vụ từ hậu phương đến tiền tuyến, từ Bắc đến Nam, vượt qua những khó khăn gian khổ, nguy hiểm trên các chiến trường để góp phần quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi của dân tộc.

          Ở miền Bắc:

          Với 22 vạn đội viên nam, nữ Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Lâm nghiệp và các địa phương… đã có mặt trên khắp mọi tuyến đường ra tuyền tuyến, hăng hái mở những con đường chiến lược, bảo đảm giao thông thông suốt, lao động sáng tạo, học tập, rèn luyện; sẵn sàng có mặt và hy sinh anh dũng ở những trọng điểm địch đánh phá ác liệt để san lấp hố bom, trực chiến, sửa chữa cầu đường, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống từ các tỉnh biên giới phía Bắc địa đầu của Tổ quốc đến vĩ tuyến 17 và vào sâu chiến trường Bình Trị Thiên. Những hành động dũng cảm, hy sinh quên mình của Thanh niên xung phong đã được ghi vào sử sách như: 60 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 915 dũng cảm hy sinh để bảo đảm hàng quân sự ở ga Lưu Xá (Thái Nguyên); Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 895 - Đội 89 (Thái Bình) xông vào cứu đoàn tàu quân sự bị địch đánh phá ở Ga Gôi (Nam Định) năm 1966, có 23 người hy sinh và 256 người bị thương, bị nhiễm độc; 13 nữ chiến sĩ Đại đội 873 Đội 87 hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho đoàn tàu quân sự tại núi Nấp (Thanh Hóa); cán bộ, chiến sĩ Đại đội 317, Đội 65 đã kiên trì bám trụ ở trọng điểm giao thông Truông Bồn - Nghệ An (có 13 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh); tại Ngã ba Đồng Lộc - tọa độ lửa của nút giao thông đặc biệt quan trọng chi viện cho chiến trường miền Nam, là chiến công oanh liệt  của quân và dân ta về quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, sự hy sinh quên mình của 10 nữ chiến sĩ thanh niên xung phong trẻ, là một địa chỉ đỏ, vẻ vang, bản anh hùng ca bất tử mà chúng ta kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng Đồng Lộc” (1968 - 2018);…

          Đặc biệt trên hệ thống đường Trường Sơn lịch sử, có 46.000  Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở tất cả 5 tuyến trục dọc và 21 tuyến trục ngang, điển hình là các con đường 12, 15A, 15B, đường 20 Quyết Thắng, đường 10 (20/7) Đông Trường Sơn… và các trọng điểm phà Long Đại, phà Xuân Sơn, Thanh niên xung phong đã bám trụ tới gần chục năm dòng rã cùng với bộ đội, công nhân giao thông và nhân dân địa phương để giữ vững mạch máu giao thông chủ đạo cho chiến trường miền Nam. Ở đường 20 Quyết Thắng, con đường nổi tiếng ác liệt của hệ thống đường Trường Sơn, có nhiều đơn vị Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ, trong đó có đơn vị “C5 gang thép – đơn vị cảm tử” – Đại đội 5 Thanh niên xung phong Hà Nam đã bám trụ, chốt giữ suốt từ năm 1965 đến năm 1970 ở Cua chữ A, Ngầm Ta Lê và Đèo Phu La Nhích để chiến đấu 350 ngày đêm với máy bay Mỹ đánh phá, trong đó có 969 trận B52 rải thảm, 2000 trận máy bay cường kích, với 300 ngàn quả bom các loại; C5 chỉ với 250 cán bộ, chiến sĩ thì có 68 liệt sĩ, 72 thương binh và có nữ anh hùng liệt sĩ phá bom Nguyễn Thị Vân Liệu.

          Ở miền Nam: Với lực lượng hùng hậu gần 4,5 vạn Thanh niên xung phong hàng chục năm dòng kề vai sát cánh cùng bộ đội trên khắp các chiến trường, các địa bàn trọng điểm, ác liệt như: Miền Đông Nam Bộ; miền Tây Nam Bộ, Tây Ninh; đường 1C “Gang thép - lịch sử”; Chiến dịch Phước Long – Sông Bé; Núi Thành (Quảng Nam); chiến dịch Quảng Đà và các chiến dịch khác ở Liên khu 5…Chỉ riêng ở tuyến đường 1C, Thanh niên xung phong Liên phân đội I đã suốt 9 năm hoạt động dũng cảm, gan dạ chiến đấu, vượt qua mưa bom bão đạn của địch để vận chuyển 10.000 tấn quân trang, vũ khí; tiếp nhận đưa về đất Mũi 1 vạn quân; phối hợp cùng bộ đội bắn rơi 100 máy bay, diệt 50 xe tăng và hàng ngàn tên địch, giữ vững đường huyết mạch từ khu 9 về Trung ương Cục miền Nam.

          2.2. Về cống hiến và chiến công

          Thanh niên xung phong cả nước đã mở được 102 con đường chiến lược với tổng chiều dài 4130 km, vận chuyển 10 vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực cho chiến trường; trực chiến, chốt giữ, bảo đảm 3.000 trọng điểm giao thông quan trọng thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt; san lấp trên 100.000 hố bom; đào 1135 km hầm hào, xây dựng 8 bệnh viện dã chiến và 272 kho tàng; phá, gỡ thu gom trên 100.000 quả bom các loại; bắn rơi 15 máy bay Mỹ; bắt sống 13 phi công và gần  1.000 tên địch (trong đó có 286 lính Mỹ), phá hủy 20 xe tăng và xe bọc thép, phục vụ bộ đội 1000 trận đánh; trực tiếp chiến đấu 40 trận; bổ sung 16.000 người sang quân đội; cáng tải, chăm sóc 2.077 thương binh, tử sĩ; đưa 18.000 lượt bộ đội qua sông; cung cấp cho Lực lượng vũ trang và Trung ương Cục miền Nam trên 500 cán bộ; 15.000 người được kết nạp vào Đảng; 52 người là Dũng sĩ diệt Mỹ; 1.432 người là Dũng sĩ Quyết Thắng; Đồng thời Thanh niên xung phong đã có 6.051 người hy sinh; 42.455 người bị thương, 18.000 người và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam.

          2.3. Những phần thưởng cao quý Đảng và Nhà nước

          Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, lực lượng Thanh niên xung phong đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, tặng thưởng: Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, BCH Trung ương Đảng tặng bức Trướng ghi dòng chữ “Thanh niên xung phong chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, lập công suất sắc”, Huân chương Sao Vàng; 42 tập thể và 40 cá nhân đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (chủ yếu là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân), trong số đó nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh 5 lần; 28.000 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; Huân, Huy chương giải phóng, Huân chương chiến công, Huân chương Lao động,…

          3. Vai trò của Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước

          Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước là lực lượng xung kích của Đoàn Thanh niên, thực hiện sáng tạo bốn câu thơ của Bác Hồ dạy, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống của thế hệ Thanh niên xung phong chống Pháp có nhiều thành tích xuất sắc, nên đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, vẻ vang của thế hệ Thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước. Thanh niên xung phong đã đảm đương mở 102 con đường chiến lược quan trọng (4.130 km) chính là để hậu phương miền Bắc luôn luôn chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Trên hệ thống đường Trường Sơn có 46.000 Thanh niên xung phong (bằng 1/3 tổng số quân của các lực lượng) đã cùng với bộ đội lập nên những kỳ tích, vẻ vang mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá tại Đường 20 Quyết Thắng: “Đây là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên”. Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước đã làm sáng tỏ chân lý, nội dung của phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Thanh niên xung phong là lực lượng luôn luôn kề vai sát cánh cùng với bộ đội để phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu; kịp thời đáp ứng tiếng gọi của tiền tuyến và các chiến trường, góp phần quan trọng đánh thắng kẻ thù xâm lược.

            III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

          Thanh niên xung phong nói chung và thời kỳ chống Mỹ, cứu nước nói riêng là sản phẩm của tư tưởng sáng suốt, độc đáo, tầm nhìn chiến lược, lâu dài của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Sự hình thành, phát triển và cống hiến của Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước không chỉ giữ vai trò quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà cần được rút ra những vài học kinh nghiệm sâu sắc để giúp Đảng, Nhà nước và các cơ quan tham mưu tổ chức các mô hình, phong trào thanh niên hoạt động trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là:

          Một là: Thực tiễn đã chứng minh việc quyết định thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước của Trung ương Đảng và Chính phủ là một chủ trương sáng suốt, phù hợp, kịp thời, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách của cách mạng, vừa đáp ứng nguyện vọng, khí thế sôi nổi của phong trào thanh niên cả nước. Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, động viên, chỉ đạo, tạo điều kiện và có chế độ chính sách phù hợp để Thanh niên xung phong hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là ý nghĩa quan trọng về động viên, tổ chức, xây dựng lực lượng cách mạng trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt nhất của thời kỳ chiến tranh khi đó; Đồng thời vẫn có tính thời sự, kinh nghiệm để tổ chức, chỉ đạo hoạt động, động viên đối với các thế hệ thanh niên xung phong làm các nhiệm vụ sau này.

          Hai là: Trong 10 năm hoạt động, lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước luôn thể hiện tinh thần nhiệt huyết yêu nước, lý tưởng cách mạng cao, thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ gắn liền với vận mệnh của đất nước, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Đây là bài học quý về tinh thần yêu nước đối với các thế hệ thanh niên.

          Ba là: Tổ chức và hoạt động của Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước đạt được kết quả như vậy là có sự phối hợp rất chặt chẽ, thống nhất cao giữa các ngành, các cấp với Trung ương Đoàn Thanh niên, với Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về Lực lượng Thanh niên xung phong ở thời kỳ đất nước tạm bị chia cắt. Ở đây có ý nghĩa cao về nghệ thuật tổ chức và tinh thần trách nhiệm trong thực hiện.

          Bốn là: Tinh thần, khí thế, sự dũng cảm, hy sinh quên mình của Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước cần được tuyên truyền, giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ để phát huy truyền thống anh hùng, sự nghiệp cách mạng của thế hệ cha, anh trong các thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Năm là: Cần luôn luôn quan tâm, chăm sóc đối với Người có công nói chung, các Cựu Thanh niên xung phong nói riêng để ghi nhận sự đóng góp, hy sinh, động viên tinh thần đối với những người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc - làm động lực trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

                                            TS. Nguyễn Cao Vãng

* Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam





1 Di tích lịch sử Nà Tu, cấp quốc gia – 1996

2. Theo Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Phân đội 312 và tặng 4 câu thơ trên là ngày 20/3/1951. 


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện