Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |   

Triết lý Tâm - Tài nâng tầm tư tưởng, tài năng của Nguyễn Du

  

01:17 23/09/2020

Điều khác biệt của Đại thi hào quê Hà Tĩnh - Nguyễn Du với các nhà tư tưởng, các bậc thức giả đương thời là ông đã đề cao chữ Tâm, đánh giá nó gấp ba lần chữ Tài.

Đọc Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ngay từ những dòng đầu tiên cho đến những dòng cuối cùng, tôi đã cảm nhận sự khác biệt rất rõ với Truyện Kiều cả về một số chi tiết trong nội dung cũng như nghệ thuật xây dựng nhân vật, đặc biệt là triết lý nhân sinh, quan niệm Tâm - Tài của Nguyễn Du.


Trên sân khấu, thân phận nàng Kiều và thân phận những người phụ nữ trong Truyện Kiều cũng nhiều lần được tái hiện. Ảnh Internet


Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ đề cập đến sự khác biệt này trong đoạn mở đầu và đoạn kết của Truyện Kiều.

Mở đầu Kim Vân Kiều truyện, sau khi dẫn 8 câu thơ thất ngôn tả cảnh mùa xuân, hội Đạp Thanh, nói về phận bạc duyên may, tác giả viết: “Xưa nay đại phàm những bậc giai nhân tuyệt sắc, thường không được hưởng hạnh phúc, giàu sang mà hay gặp những cảnh khắt khe, khổ sở. Xem như: Chiêu Quân, Quý Phi, Phi Yến, Linh Đức, Tây Tử, Điêu Thuyền... toàn là những bậc hương trời sắc nước cả, nhưng số mệnh có ra gì đâu.

Đó chẳng qua là con tạo ghét ghen, đã cho 10 phần nhan sắc thì bắt phải chịu 10 phần chiết mạ, đã cho một chút tài tình, lại tăng lên mấy tầng nghiệp chướng”. Mở đầu Truyện Kiều là những câu thơ mà hầu như người Việt Nam nào cũng thuộc làu:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

Cảo thơm lần giở trước đèn

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.



Triết lý sống Tâm - Tài chính là sự vượt xa về tài năng cũng như tư tưởng của Nguyễn Du đối với Thanh Tâm Tài Nhân.

Cái “cõi người ta” ấy thực ra không phải chỉ là những thân phận phụ nữ và cũng không hẳn chỉ là “trăm năm”. Cái sự biến cải khôn lường “bãi biển thành nương dâu” ấy chính là triết lý nhân sinh, nỗi niềm thế sự đã thành điển hình có sức khái quát rất cao, đọc lên nghe có gì đó ngậm ngùi, buộc người ta phải suy ngẫm, chiêm nghiệm, phải tự soi xét bản thân và thời cuộc.

Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Những điều trông thấy của Nguyễn Du, dẫu được viết như là đề từ của Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) nhưng không chỉ gói gọn trong những kiếp người, những thân phận được lấy từ Kim Vân Kiều truyện mà là cả một “cõi người ta”.

Nguyễn Du từng chứng kiến, từ người gảy đàn ở Long Thành (Long Thành cầm giả ca), từ những kiếp cô hồn trong “Văn chiêu hồn” và những cảnh ngộ trong “Sở kiến hành” lần nhà thơ đi sứ Trung Quốc cũng như sự biến cải khôn lường của triều đình nhà Lê, gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền mà trong những năm tháng gió bụi nhà thơ đã trải qua. Vì “đau đớn lòng”, nhà thơ mới kêu lên “tiếng kêu mới đứt ruột” (Đoạn trường tân thanh) để thức tỉnh cả thế giới.

Ở đoạn kết cũng vậy, triết lý nhân sinh, thuyết Tài - Mệnh tương đố và những đúc kết về cuộc đời thể hiện cách nói rất riêng của Đại thi hào Nguyễn Du:

Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả ha
i

Trong đời sống hằng ngày, người ta hay đúc kết: Cũng là cái số cả, tất cả do trời định, trời thương thì mọi sự tốt đẹp, suôn sẻ, không thương thì rủi ro, bất hạnh. Trong Truyện Kiều, nhiều lần Nguyễn Du đã để cho nhân vật Thúy Kiều cảm thấu sâu sắc triết lý này và chấp nhận quy luật Tài - Mệnh tương đố: Hạt mưa sá nghĩ phận hèn/ Liều đem tấc cỏ quyết đền ba sinh...Phận dầu, dầu vậy, cũng dầu... Đến phong trần, cũng phong trần như ai...


Hình tượng người gảy đàn ở Long Thành được tái hiện trong phim Long Thành cầm giả ca. Ảnh Internet



Thời nay, đọc những câu này lên: Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao nghe có gì đó cam chịu, an phận thủ thường, không phù hợp nhưng nhiều người vẫn thích ngâm ngợi, nhất là những người có tuổi. Nguyễn Du đã nâng quan niệm về chữ “thân” trong ca dao: Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày; Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai... thành một triết lý: Muôn sự tại trời, trời kia bắt mỗi người có một thân phận, người càng có tài thì mệnh càng bạc.

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa


Lời khuyên ấy đặt trong hoàn cảnh xã hội bình đẳng và tiến bộ ngày nay, khi người phụ nữ đã được giải phóng, gông cùm của xã hội phong kiến đã hoàn toàn bị xóa bỏ thì không hợp nhưng đặt vào hoàn cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII, đặc biệt là với những người con gái tài sắc, nhiều khát vọng tình yêu và khát vọng đổi đời mới thấy hợp lý.

Đây cũng chính là sự mâu thuẫn trong nội tại tâm hồn, tư tưởng của Nguyễn Du: vừa mong giải phóng cho người phụ nữ, đề cao tình yêu và tài sắc của họ, vừa muốn an ủi họ hãy chấp nhận sự nghiệt ngã của số phận (mà thực chất là chấp nhận sự ngang trái do các thế lực cường quyền tạo nên).

Điều khác biệt của Nguyễn Du với các nhà tư tưởng, các bậc thức giả đương thời là ông đã đề cao chữ Tâm, đánh giá nó gấp ba lần chữ Tài. Điều này đã trở thành triết lý kinh điển của thi nhân hàng trăm năm qua luôn được người đời sau đề cập và ghi nhận.

Cho đến hôm nay, nhiều người vẫn coi đó là lời răn dạy cho mình trong công việc cũng như trong cuộc sống: Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.


Hình tượng nàng Kiều trong hội hoạ. Minh hoạ Internet


Sự phát triển cái thiện - yếu tố đạo đức xã hội đã có nền móng từ lâu trong đời sống Nhân dân, là căn cốt, cội rễ của nhân cách con người trở thành chữ Tâm là một bước chuyển trong triết lý nhân sinh của Nguyễn Du - một con người từng trải qua nhiều cảnh ngộ, phải quăng quật giữa mưa gió cuộc đời, thấm thía rất nhiều nỗi đau khổ của con người.

Nguyễn Du đã gửi gắm suy nghĩ, đúc kết của mình về chữ Tâm (hay còn gọi là tình người, là tấm lòng yêu thương con người, là đạo đức xã hội) vào kiệt tác Truyện Kiều. Nếu đem đối chiếu với cái kết thúc có hậu của Truyện Kiều thì rất hợp lý: Người sống có Tâm đã được đáp đền, kẻ bạc ác đã bị trừng trị, nàng Kiều sau 15 năm tủi nhục: Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.

Nhưng thực tế, những triết lý ấy còn có một tầm phổ quát lớn hơn, vượt ra ngoài Truyện Kiều, trở thành một lời răn dạy như tục ngữ, thành ngữ của Nhân dân, trở thành nguyên tắc sống và làm việc, ứng xử trong phạm trù đạo đức của rất nhiều tầng lớp trong xã hội...

Sức sống, sự lan tỏa, lay động, thức tỉnh của câu thơ: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài thực sự đã vượt ra ngoài tầm thời đại Nguyễn Du, vượt ra ngoài không gian biên giới Việt Nam, trở thành giá trị xuyên thời đại.

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển hai vế tâm - tài thành đức - tài. Người nói: “Có tài mà không có đức thì thành người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Triết lý sống Tâm - Tài của Nguyễn Du có giá trị bền lâu trong đời sống, giúp cho đạo đức xã hội được bền vững, giúp xây dựng phẩm chất con người mới Việt Nam cũng như nhiều cộng đồng khác trên thế giới. Đây chính là sự vượt xa về tầm tư tưởng cũng như tài năng của Nguyễn Du so với Thanh Tâm Tài Nhân.

Theo Baohatinh.vn

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện