Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Vì sao động đất ở Myanmar gây thiệt hại nặng nề?

  

08:21 31/03/2025

Một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã làm rung chuyển Myanmar và Thái Lan vào ngày 28/3, khiến khoảng 1.700 người thiệt mạng và hàng trăm người khác mất tích. Dư chấn mạnh cùng với cơ sở hạ tầng ở những khu vực bị ảnh hưởng không đủ vững chắc được cho là nguyên nhân khiến mức độ tàn phá của trận động đất này trở nên nghiêm trọng hơn.

Cảnh tượng hỗn loạn

Trận động đất xảy ra vào 28/3 đã làm rung chuyển thành phố Mandala (Myanmar) cũng như các quốc gia lân cận, khiến đường xá nứt toác, chùa tháp cổ sụp đổ, cầu gãy và nhà cửa đổ nát...

Tại Myanmar và Thái Lan, hàng nghìn người lao ra khỏi những tòa cao ốc, cố gắng tìm nơi trú ẩn khi những cơn dư chấn tiếp tục càn quét mặt đất.

Tại Bangkok, một tòa nhà chọc trời đang xây dựng bất ngờ đổ sập trong tiếng la hét của những người chứng kiến. Ít nhất 9 người được xác định đã thiệt mạng, trong đó tám người tại địa điểm tòa nhà sụp đổ. Hiện vẫn còn 117 người mất tích và lực lượng cứu hộ đang làm việc không ngừng nghỉ bất kể ngày đêm để tìm kiếm những người sống sót.

Một tòa nhà đổ sập ở Bangkok, Thái Lan sau động đất. Ảnh: Reuters

Tính đến cuối ngày 29/3, chính quyền quân sự Myanmar đã xác nhận số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh vào trưa 28/3 tăng lên 1.644 người, với gần 2.400 người bị thương. Theo mô hình dự báo của Cơ quan Địa chất Mỹ (USGS), con số thương vong tại Myanmar có thể còn tăng cao, thậm chí vượt mốc 10.000 người. Trước tình hình nghiêm trọng, chính quyền Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 6 tiểu bang, bao gồm Sagaing, Mandalay và thủ đô Naypyidaw.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết tổ chức này đang điều phối phản ứng cứu trợ theo yêu cầu từ phía Myanmar.

"Nhóm của chúng tôi tại Myanmar đã liên hệ để huy động toàn bộ nguồn lực trong khu vực nhằm hỗ trợ người dân", ông Guterres cho biết ngày 28/3.

"Tuy nhiên, không chỉ Myanmar chịu ảnh hưởng. Dù tâm chấn nằm tại Myanmar, nước này vẫn là quốc gia dễ tổn thương nhất trong tình hình hiện nay", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Ở Myanmar, tình hình càng vẫn "căng như dây đàn". Nhiều công trình tôn giáo, bệnh viện, trường học và đường sá bị hư hại nặng. Hội Chữ thập đỏ đã bày tỏ lo ngại về tính ổn định của các con đập trong khu vực, cảnh báo nguy cơ sụp đổ do những cơn dư chấn liên tiếp.

Một nhân chứng tại Mandalay – thành phố lớn thứ hai của Myanmar, cho biết: "Tôi cảm thấy như mặt đất đang bị xé toạc. Mọi thứ rung chuyển dữ dội, tường nhà nứt toác, đồ đạc rơi xuống sàn. Tôi chưa bao giờ trải qua điều gì kinh hoàng đến thế".

Nguyên nhân địa chất gây ra thảm họa

Lớp vỏ Trái Đất không liền mạch mà bị chia cắt thành nhiều mảng kiến tạo, ghép lại với nhau như một trò chơi xếp hình khổng lồ.

Theo nhà địa vật lý Michael Steckler từ Đại học Columbia, cấu trúc này nhìn chung khá ổn định, nhưng tại các ranh giới giữa các mảng, sự chuyển động vẫn diễn ra liên tục. Ông giải thích rằng áp suất sẽ dần tích tụ khi các mảng kiến tạo bị mắc kẹt trong quá trình trượt qua nhau. Quá trình này diễn ra rất chậm, có thể kéo dài hàng thập kỷ hoặc thậm chí hàng trăm năm. Tuy nhiên, khi áp lực vượt ngưỡng chịu đựng, lớp đá sẽ bất ngờ dịch chuyển, giải phóng năng lượng và gây ra những rung lắc mạnh mẽ tạo nên động đất.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất có tâm chấn cách Mandalay khoảng 17 km, ở độ sâu chỉ 10 km dưới lòng đất. Tâm chấn được đánh giá khá nông, đồng nghĩa với việc năng lượng của trận động đất được truyền thẳng lên bề mặt với cường độ cực mạnh, gây ra mức độ tàn phá khủng khiếp.

Nằm trên ranh giới giữa hai mảng kiến ​​tạo, Myanmar là một trong những quốc gia có hoạt động địa chấn mạnh nhất thế giới. Giáo sư Joanna Faure Walker từ Đại học University College London (UCL) giải thích: "Myanmar nằm trên ranh giới giữa hai mảng kiến tạo chính, nơi thường xuyên xảy ra hoạt động địa chấn. Tuy nhiên, những trận động đất có cường độ lớn như vậy hiếm khi xảy ra ở khu vực Sagaing – nơi lần này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất".

Chuyên gia động đất Bill McGuire của UCL nhận định rằng đây có thể là trận động đất lớn nhất từng xảy ra ở đất liền Myanmar trong 75 năm qua. Trong khi đó, ông Roger Musson, chuyên gia địa chấn thuộc Cục Khảo sát Địa chất Anh, cho biết trận động đất xảy ra ở độ sâu khá nông khiến sóng xung kích không bị suy giảm, từ đó gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn.

"Các tòa nhà phải chịu toàn bộ lực rung chuyển, đặc biệt là những công trình cũ kỹ hoặc không được thiết kế chống động đất", vị chuyên gia này cho biết.

Nhà khoa học Will Yeck từ USGS cho biết: "Chúng ta có thể xác định khá chính xác những khu vực có nguy cơ xảy ra động đất, nhưng vẫn chưa thể dự đoán chính xác thời điểm chúng sẽ diễn ra".

Tuy nhiên, sau khi một trận động đất lớn xảy ra, các nhà nghiên cứu có thể ước tính khả năng xuất hiện các trận động đất nhỏ hơn ở khu vực lân cận, còn được gọi là dư chấn.

Ông Yeck giải thích rằng dư chấn xuất hiện do "những biến đổi trong ứng suất của Trái Đất sau trận động đất chính". Theo đó, với cường độ mạnh của trận động đất tại Myanmar, "nhiều khả năng các dư chấn sẽ tiếp tục diễn ra trong vài tháng tới".

Chuyên gia này cũng cho biết, tùy thuộc vào vị trí, có thể có những mối nguy hiểm thứ cấp do động đất gây ra, chẳng hạn như lở đất, hỏa hoạn hoặc sóng thần.

Tại sao thiệt hại lại nghiêm trọng đến vậy?

Dù Myanmar nằm trong khu vực có hoạt động địa chấn mạnh nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng lại chưa được xây dựng để chịu được những trận động đất lớn. Chương trình Rủi ro Động đất của USGS cảnh báo số người tử vong có thể dao động từ 10.000 đến 100.000 người, tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng ứng phó của quốc gia này.

Myanmar đã từng trải qua một số trận động đất mạnh trong quá khứ nhưng khu vực Sagaing – nơi bị ảnh hưởng nặng nhất lần này – lại hiếm khi hứng chịu động đất có cường độ lớn như vậy. Trận động đất gần đây nhất ở khu vực này xảy ra vào năm 1956, điều đó có nghĩa là nhiều công trình đã được xây dựng mà không tính đến khả năng chống chịu thiên tai.

"Ở những khu vực có hoạt động địa chấn thường xuyên như Nhật Bản hay California, các tòa nhà được thiết kế để chịu đựng rung lắc. Nhưng ở Myanmar, nơi các trận động đất lớn hiếm xảy ra, nhiều tòa nhà không được gia cố đầy đủ, khiến thiệt hại càng thảm khốc hơn", chuyên gia Roger Musson nhận định.

Một trong những mối lo ngại lớn nhất hiện nay là tình trạng đập nước và các công trình thủy lợi. Nếu các con đập bị hư hại, hàng triệu người có thể đối mặt với nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng. Chính quyền Myanmar đang khẩn cấp kiểm tra hệ thống đập để ngăn chặn thảm họa thứ hai có thể xảy ra sau động đất.

Đến sáng 29/3, cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ đối với Myanmar. Ngoại trưởng các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra tuyên bố chung, khẳng định tinh thần đoàn kết và cam kết hợp tác chặt chẽ với nhau trong công tác cứu trợ người dân Myanmar sau thảm họa.

“ASEAN tái khẳng định sự đoàn kết và sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để hỗ trợ nhân đạo, tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ, đồng thời đảm bảo ứng phó kịp thời và hiệu quả", tuyên bố nêu rõ.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết Bắc Kinh sẽ viện trợ 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 13,77 triệu USD), bao gồm lều trại, chăn màn, bộ dụng cụ y tế khẩn cấp, thực phẩm và nước uống. Đợt viện trợ đầu tiên dự kiến sẽ đến Myanmar vào ngày 31/3. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này cam kết hỗ trợ Myanmar 2 triệu USD.

Ngoài ra, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Việt Nam cũng nằm trong số những quốc gia đã điều động đội cứu hộ đến hỗ trợ Myanmar trong thảm họa lần này.

Theo VOV

Link: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-dong-dat-o-myanmar-gay-thiet-hai-nang-ne-post1188318.vov


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện