Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, địa phương miền núi, vùng cao có dưới 500.000 dân được đề xuất 50 đại biểu HĐND cấp tỉnh. Tỉnh trên 500.000 dân, cứ thêm 50.000 dân bầu thêm một đại biểu, tối đa 90 người (tăng 15 đại biểu so với mức tối đa hiện tại). Các tỉnh đồng bằng có dưới một triệu dân được đề xuất 50 đại biểu; cứ thêm 75.000 dân bầu thêm một đại biểu, tối đa 90 người (tăng 5).
Với thành phố trực thuộc Trung ương dưới một triệu dân, Bộ đề xuất 70 đại biểu (tăng 20). Thành phố trên một triệu dân thì cứ thêm 75.000 dân bầu thêm một đại biểu, tối đa 90 người (tăng 5). HĐND TP HCM được đề xuất tăng từ 95 lên 125 đại biểu, bằng Hà Nội theo quy định tại Luật Thủ đô.
Trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh, tháng 3/2025. Ảnh: Đức Hùng
Bộ Nội vụ cũng đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND cấp xã, phường. Theo dự thảo, xã miền núi, vùng cao và đồng bằng sẽ có 20-40 đại biểu tùy quy mô dân số, phường có 30-40 đại biểu HĐND, tăng tối đa 10 người so với hiện hành. Đặc khu hải đảo có 20-40 đại biểu tương ứng dân số 5.000-trên 20.000.
Điểm mới của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi là bỏ các quy định về chính quyền cấp huyện do cấp này dự kiến không còn sau sáp nhập.
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ soạn thảo, 11 tỉnh, thành dự kiến giữ nguyên hiện trạng gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 địa phương còn lại, bao gồm cả 4 thành phố trực thuộc trung ương là TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ cũng thuộc diện sắp xếp.
Tổng Bí thư Tô Lâm trước đó cho biết dự kiến cả nước còn khoảng 34 tỉnh, thành phố sau khi sắp xếp 63 tỉnh, thành hiện tại; không còn cấp huyện; và cả nước còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo VNE
Link: https://vnexpress.net/de-xuat-tang-dai-bieu-hdnd-cap-tinh-sau-sap-nhap-4869151.html
Thêm ý kiến góp ý