Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |   

Tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2023 tỉnh Hà Tĩnh

  

15:24 30/09/2023

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các nghị quyết, chính sách giai đoạn 2021-2025, năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong quý III cũng như 9 tháng vừa qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn thách thức. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi; tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy sản xuất Pin VinES đã đi vào hoạt động, giải phóng mặt bằng và xây dựng đường cao tốc phía Đông … sẽ là hiệu ứng tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh nhà.vv. Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

       Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm. Trong đó, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2023 có mức tăng trưởng khá, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững. Kết quả đạt được trên các ngành, lĩnh vực trong 9 tháng năm 2023 như sau:

       LĨNH VỰC KINH TẾ

       1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

       Trong 9 tháng năm 2023, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến sản xuất nông nghiệp, người dân làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh và gieo cấy đúng lịch thời vụ nên các loại cây hàng năm phát triển tốt, kết quả sản xuất cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cây lâu năm trọng điểm tăng so với cùng kỳ năm trước, nhất là cây ăn quả có múi; chăn nuôi cơ bản ổn định tổng đàn trâu bò có xu hướng ngày càng giảm và tăng chăn nuôi lợn, gia cầm; hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực; nuôi trồng và khai thác thủy sản có nhiều khởi sắc.

       1.1. Sản xuất nông nghiệp

       1.1.1.Trồng trọt

       a. Cây hàng năm:


       Hiện nay việc phá ô thửa nhỏ tạo ra những cánh đồng lớn cùng với việc đưa các loại giống ngắn ngày, năng suất, đáp ứng tốt với khí hậu thời tiết đã mang lại hiệu quả cao, sản xuất vụ Đông Xuân năm nay thắng lợi cả về năng suất và sản lượng, vụ Hè Thu năm 2023 năng suất lúa giảm hơn so với năm trước, sản xuất vụ Mùa 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài nên một số diện tích đất không chủ động được nước tưới ảnh hưởng đến việc gieo cấy, một số diện tích cây trồng không đạt kế hoạch ban đầu.

       Kết quả sản xuất năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh ước tính đạt 158.554 ha, giảm 0,40% (giảm 630 ha) so với năm trước nhưng tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm ước tính đạt 645.397 tấn, tăng 4,65% (tăng 28.681 tấn) so với thực hiện năm trước. Nhìn chung, kết quả sản xuất lương thực năm 2023 tăng hơn so với năm trước, kết quả cụ thể đối với một số cây trồng chủ lực như sau:

       - Cây lúa: Diện tích gieo trồng cây lúa cả năm ước tính đạt 104.293 ha, bằng 99,55% (giảm 473 ha) so với năm trước. Trong đó vụ Đông Xuân diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh đạt đạt 59.407 ha, bằng 99,32% (giảm 406 ha) so với cùng kỳ năm trước; vụ Hè Thu gieo trồng đạt 44.568 ha, bằng 100,09% (tăng 29 ha) so với cùng kỳ năm trước; diện tích gieo trồng vụ Mùa đạt 318 ha, bằng 76,74% (giảm 97 ha) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân diện tích lúa năm giảm nhiều chủ yếu do ảnh hưởng của dự án đường cao tốc Bắc Nam nên nhiều diện tích đất bị thu hồi.

       Năng suất gieo trồng lúa cả năm ước tính đạt 55,43 tạ/ha, bằng 103,99% (tăng 2,13 tạ/ha) so với năm 2022. Cụ thể: Năng suất gieo trồng lúa vụ Đông Xuân chính thức đạt 59,59 tạ/ha, bằng 106,86% (tăng 3,82 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước; năng suất gieo trồng lúa vụ Hè Thu năm 2023 sơ bộ đạt 50,16 tạ/ha, bằng 99,67% (giảm 0,16 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước và năng suất lúa vụ Mùa ước tính đạt 15,88 tạ/ha, bằng 92,88% (giảm 1,22 tạ/ha) so với vụ Mùa năm trước.

       Tổng sản lượng lúa năm 2023 ước tính đạt 578.069 tấn, bằng 103,52% (tăng 19.668 tấn) so với năm 2022. Trong đó: Sản lượng lúa Đông Xuân chính thức đạt 354.021 tấn, bằng 106,13% (tăng 20.455 tấn) so với cùng kỳ năm trước; sản lượng lúa vụ Hè Thu sơ bộ đạt 223.543 tấn, bằng 99,74% (giảm 584 tấn) so với cùng kỳ năm trước, và sản lượng lúa vụ Mùa ước tính đạt 505 tấn, bằng 71,29% (giảm 203 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

       - Cây hàng năm chủ lực khác:

       Cây ngô: Diện tích gieo trồng ngô ước tính đạt 14.373 ha, bằng 110,98% (tăng 1.422 ha) so với năm trước. Trong đó diện tích gieo trồng ngô Đông Xuân chính thức đạt 11.934 ha, bằng 111,41% (tăng 1.222 ha) so với cùng kỳ năm trước; diện tích gieo trồng ngô Hè Thu sơ bộ đạt 2.439 ha, bằng 108,95% (tăng 200 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích ngô tăng so với cùng kỳ do năm nay giá thức ăn chăn nuôi cao người dân tận dụng diện tích trồng ngô để phục vụ mục đích chăn nuôi, ngoài ra năm nay thời tiết đầu vụ Đông xấu gây khó khăn cho việc xuống cây khoai và lạc nên người dân chuyển sang trồng ngô.

       Năng suất gieo trồng ngô cả năm ước tính đạt 46,84 tạ/ha, bằng 104,03% (tăng 1,82 tạ/ha) so với năm trước. Trong đó: Năng suất ngô vụ Đông Xuân chính thức đạt 48,03 tạ/ha, bằng 103,5% (tăng 1,62 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước; năng suất ngô vụ Hè Thu sơ bộ 41,03 tạ/ha, bằng 99,12% (giảm 0,36 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng ngô cả năm ước tính đạt 67.327 tấn, bằng 115,46% (tăng 9.013 tấn) so với năm 2022. Do cả diện tích tăng và năng suất tăng khiến sản lượng ngô tăng hơn so với năm 2022.

       Cây khoai lang: Năm 2023, diện tích gieo trồng khoai lang ước tính đạt 3.450 ha, bằng 91,70% (giảm 312 ha) so với năm trước. Trong đó: Diện tích gieo trồng khoai lang vụ Đông Xuân chính thức đạt 2.829 ha, bằng 90,67% (giảm 292 ha) so với cùng kỳ năm trước; diện tích gieo trồng khoai lang vụ Hè Thu sơ bộ đạt đạt 572 ha, bằng 96,09% (giảm 23 ha) so với cùng kỳ năm trước; diện tích gieo trồng khoai lang vụ Mùa ước tính đạt 49 ha, bằng 106,25% (tăng 3 ha) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân diện tích giảm chủ yếu là do một số xã chuyển từ một số đất trồng khoai không hiệu quả sang trồng ngô, nggoài ra một số huyện diện tích đất giảm do nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án.

       Năng suất khoai lang cả năm ước tính đạt 74,51 tạ/ha, bằng 100,73% (tăng 0,54 tạ/ha) so với năm 2022. Trong đó: Năng suất vụ Đông Xuân chính thức 77,77 tạ/ha, bằng 102,98% (tăng 2,25 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước; năng suất vụ Hè Thu sơ bộ đạt 61,24 tạ/ha, bằng 102,3% (tăng 1,38 tạ/ha); năng suất vụ Mùa ước tính đạt 40,39 tạ/ha, bằng 100,26% (tăng 0,11 tạ/ha). Sản lượng khoai lang cả năm ước tính đạt 25.704 tấn, bằng 92,38% (giảm 2.121 tấn) so với năm 2022. Tuy năng suất tăng nhưng do diện tích giảm nên sản lượng khoai giảm so với năm 2022.

       Cây sắn: Diện tích sắn ước tính đạt 2.526 ha, bằng 96,21% (giảm 99 ha) so với năm trước. Năng suất ước tính đạt 155,12 tạ/ha, bằng 101,75% (tăng 2,67 tạ/ha), với sản lượng ước tính đạt 39.182 tấn, bằng 97,89% (giảm 842 tấn) so với năm trước. Nguyên nhân diện tích giảm chủ yếu do chuyển đổi sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

       Cây lạc: Năm 2023, diện tích gieo trồng lạc ước tính đạt 7.915 ha, bằng 86,09% (giảm 1.279 ha) so với năm trước. Trong đó: Vụ Đông Xuân diện tích gieo trồng chính thức đạt 7.588 ha, bằng 85,97% (giảm 1.238 ha) so với cùng kỳ năm trước; vụ Hè Thu sơ bộ đạt 327 ha, bằng 88,94% (giảm 41 ha) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân diện tích lạc giảm là do một số xã chủ động được nước tưới nên chuyển diện tích trồng lạc sang trồng lúa hoặc trồng rau cho kinh tế cao hơn, ngoài ra, do chi phí đầu vào tăng cao (giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) nên người nông dân không mặn mà trong sản xuất lạc mà chuyển sang cây trồng khác.

       Năng suất gieo trồng lạc cả năm ước tính đạt 28,17 tạ/ha, bằng 116,31% (tăng 3,95 tạ/ha) so với năm trước. Nguyên nhân tăng chủ yếu do ở vụ Đông Xuân, huyện Nghi Xuân người dân đã đưa giống lạc L14, V79, L29 và các giống lạc địa phương như lạc cúc, lạc sen, lạc mỡ vào gieo trỉa phổ biến. Các loại giống này chống sâu bệnh, bên cạnh đó trong giai đoạn lạc ra hoa thời tiết thuận lợi đã cho năng suất cao. Ngoài ra, vụ Đông Xuân năm ngoái ở huyện Nghi Xuân có 176 ha diện tích lạc mất trắng do thời tiết diễn biến thất thường ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cây lạc. Sản lượng lạc cả năm ước tính đạt 22.297 tấn, bằng 100,13% (tăng 29 tấn) so với năm 2022.

       Cây rau các loại: Năm 2023, diện tích gieo trồng rau ước tính đạt 14.256 ha, bằng 100,68% (tăng 96 ha) so với năm trước. Trong đó: Vụ Đông Xuân diện tích gieo trồng rau các loại chính thức đạt 11.092 ha, bằng 99,95% (giảm 6 ha) so với cùng kỳ năm trước; vụ Hè Thu diện tích gieo trồng đạt 2.963 ha, bằng 103,32% (tăng 95 ha) so với cùng kỳ năm trước và diện tích rau vụ Mùa ước tính đạt 201 ha, bằng 103,5% (tăng 7 ha) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất rau cả năm ước tính đạt 70,36 tạ/ha, bằng 99,91% (giảm 0,06 tạ/ha) so với năm 2022. Sản lượng rau cả năm ước tính đạt 100.309 tấn, bằng 100,59% (tăng 590 tấn) so với năm 2022.

       Đậu các loại: Diện tích gieo trồng đạt 2.449 ha, bằng 81,34% (giảm 562 ha) so với năm trước. Trong đó: Vụ Đông Xuân đạt 337 ha, bằng 89,88% (giảm 38 ha) so với cùng kỳ năm trước; vụ Hè Thu đạt đạt 2.112 ha, bằng 80,13% (giảm 524 ha) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất đậu các loại ước tính đạt 10,07 tạ/ha, bằng 95,67% (giảm 0,46 tạ/ha) so với năm 2022. Sản lượng đậu các loại ước tính đạt 2.466 tấn, bằng 77,82% (giảm 703 tấn) so với năm 2022.

       b. Cây lâu năm


       Những năm gần đây do thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp vùng đồi núi, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển được triển khai, trong đó có chính sách hỗ trợ giống và vật tư trồng cây ăn quả nên người dân đã phá bỏ vườn tạp đầu tư trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi nên diện tích các loại này tăng mạnh. Nhưng đến nay do đầu tư ồ ạt, năng suất, hiệu quả không cao, đặc biệt là giá cả không ổn định, chi phí vật tư phân bón lại tăng cao, cây già cỗi nên năng suất, hiệu quả thấp vì vậy một số địa phương đã có chủ trương rà soát lại diện tích cam bưởi già cỗi, thoái hóa, kém hiệu quả để phá bỏ nên diện tích cam, bưởi có xu hướng giảm.

       Tổng diện tích hiện có cây lâu năm 9 tháng năm 2023 ước đạt 31.565 ha, bằng 98,67%, giảm 424 ha so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Diện tích cây ăn quả ước đạt 19.352 ha, bằng 98,27%, giảm 340 ha so với cùng kỳ năm 2022. Biến động diện tích một số loại cây chủ lực cụ thể: Diện tích cam ước đạt 7.310 ha, bằng 95,46%, giảm 348 ha. Diện tích cam giảm do cây đến thời kỳ thoái hóa, ảnh hưởng thời tiết, khí hậu, đất đai, kỹ thuật thâm canh, giống, sâu bệnh, do lạm dụng phân bón hóa học đã làm cho một số diện tích bị thoái hóa sớm chủ yếu giảm ở huyện Vũ Quang giảm 439 ha, Can Lộc giảm 10 ha, huyện Kỳ Anh giảm 10 ha....; Diện tích bưởi ước đạt 4.421 ha, bằng 100,71%, tăng 31 ha, để khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển sản phẩm cây ăn quả có múi trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương thì cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; Nhãn, vải, chôm chôm ước đạt 506 ha, bằng 106,53%, tăng 31 ha so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: nhãn tăng 6 ha, vải tăng 25 ha, mặc dù cây nhãn, vải không phải là cây trọng điểm, nhưng diện tích cây trên địa bàn tỉnh hiện cũng chiếm tỷ lệ khá trong tổng diện tích cây ăn quả và chủ yếu trồng phân tán đến kỳ cho thu hoạch sản phẩm.

       Bên cạnh các loại cây ăn quả, biến động một số cây công nghiệp lâu năm được trồng ở địa phương như sau: Diện tích cây cao su ước đạt 8.461 ha, bằng 99,96%, giảm 3 ha so với cùng kỳ năm 2022. Khí hậu khắc nghiệt nắng nóng, mưa bão triền miên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến diện tích cây cao su bị sụt giảm, cây phát triển kém; Diện tích chè búp ước đạt 1.262 ha, bằng 99,61%, giảm 5 ha; chè xanh (chè hái lá) ước đạt 1.762 ha, bằng 96,60%, giảm 62 ha so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân giảm là do diện tích đất trồng bị thu hồi để phụ vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng đường giao thông... Một số diện tích tại vườn nhà không hiệu quả, cây trồng lâu năm già cỗi, không đem lại hiệu qủa kinh tế, người dân phá bỏ trồng giống cây khác cho hiệu quả kinh tế cao và có thời gian sinh trưởng ngắn ngày.

       Sản lượng thu hoạch cây lâu năm 9 tháng năm 2023 đạt khá so với cùng kỳ năm trước do không ngừng đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng với điều kiện thời tiết năm nay đến thời điểm hiện nay không xẩy ra hạn hán và chưa bước vào mùa mưa lũ:

       Cây ăn quả ước đạt 78.699 tấn, bằng 103,31%, tăng 2.522 tấn so với cùng kỳ năm 2022. Một số cây có sản lượng tăng khá như bưởi tăng 1.648 tấn; chuối tăng 596 tấn; mít tăng 146 tấn; ổi tăng 142 tấn... Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Cây bưởi, cam là đặc sản nổi tiếng của địa phương được trồng tập trung ở các xã vùng đồi bãi phù sa cùng với phong trào xóa vườn tạp trồng cây ăn quả được phát động mạnh mẽ.Bưởi Phúc Trạch và cây cam được xác định là những giống cây trồng chủ lực, nhờ áp dụng thành công kỹ thuật thụ phấn bổ sung nên tỷ lệ đậu quả trên cây bưởi Phúc Trạch dần hồi phục và tăng nhanh, chất lượng quả ngày càng được nâng cao. Một số huyện có sản lượng bưởi tăng như: Hương Khê tăng 408 tấn; Hương Sơn tăng 366 tấn; Thạch Hà tăng 291 tấn...

       Sản lượng cao su ước đạt 3.367 tấn, bằng 108,68%, tăng 269 tấn so với cùng kỳ năm 2022. Cây đến kỳ khai thác cho mủ khá tốt, chất lượng mủ cũng đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật.

       Sản lượng chè búp ước đạt 7.944 tấn, bằng 103,94%, tăng 301 tấn; chè xanh (chè hái lá) ước đạt 15.668 tấn, bằng 100,52%, tăng 81 tấn so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm nên diện tích chè đều sinh trưởng, phát triển tốt. Mô hình trồng chè đã đạt những kết quả khả quan, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân mà còn tạo điều kiện giúp bà con nông dân liên kết có hiệu quả với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, cũng như được giao lưu, học tập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật từ khâu sản xuất tới chế biến, đã tạo ra sản phẩm chè sạch, thơm ngon để xuất khẩu.

       c. Tình hình sâu bệnh, thiệt hại:

       Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tình hình sâu bệnh xẩy ra đối với các loại cây trồng như sau:

       - Vụ Đông Xuân 2022 - 2023:

       Trên cây lúa:Ốc bươu vàng phát sinh gây hại trên những chân ruộng trũng, ngập nước ở hầu hết các đia phương trong tỉnh, mật độ trung bình 3-5con/m2, nơi cao 7-10con/m2, diện tích 197ha; bọ trĩ, ruồi đục nõn gây hại trên lúa gieo thẳng; Bệnh đạo ôn lá bắt đầu xuất hiện từ trung tuần tháng 2, gây hại cục bộ trên các giống VRN20, Thái Xuyên 111...; cao điểm gây hại từ 20-30/3, tập trung trên các giống Thái xuyên 111, VNR20, P6, XT28, nếp 98,…. tỷ lệ bệnh trung bình 3-5%, nơi cao 10-15%, cục bộ 20-30%, diện tích nhiễm 30 ha, không có diện tích nhiễm nặng, diện tích phòng trừ 1.785 ha; Bệnh đạo ôn cổ bông: Xuất hiện trên giống N24, XT28, P6, Thái Xuyên 111, Lai Thơm 6, BT09, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Cẩm Xuyên tỉ lệ trung bình 5-7%, cục bộ 15-20%, diện tích 4ha, diện tích phòng trừ 37.000ha; Chuột gây hại trên lúa gieo thẳng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, tỉ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 7-10%, cục bộ 15-20%, diện tích 431ha; Bệnh khô vằn: Phát sinh gây hại trên những chân ruộng sâu trũng, gieo cấy giày, bón thừa đạm, phân bố hầu hết các địa phương trong tỉnh, tỉ lệ trung bình 3-7%, nơi cao 10-15%, cục bộ 25-35% diện tích 3.850ha; Bệnh bạc lá: xuất hiện trên một số giống ở Nghi Xuân, tỉ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 7-10%, diện tích 9ha; bệnh vàng lụi gây hại rải rác ở Thạch Hà, Nghi Xuân, diện tích 9ha; Rầy nâu, rầy lưng trắng chỉ phát sinh gây hại cục bộ tại 3 xã huyện Cẩm Xuyên.

       Trên cây lạc: Bệnh lỡ cổ rễ, nấm mốc đen, mốc trắng gây hại ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân, diện tích 25ha; Sâu ăn lá diện tích 35ha.

       Trên cây ngô: Sâu keo mùa thu, sâu cắn lá diện tích nhiễm 17ha, bệnh đốm lá lớn, đốm lá nhỏ gây hại trên trà ngô sớm, diện tích 40ha tập trung tại Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Cẩm Xuyên…

       Trên cây ăn quả có múi: Sâu vẽ bùa, sâu nhớt 70ha; Sâu đục thân, đục cành 25ha; nhện nhỏ 35ha, phân bố tại Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê,…các đối tượng như rệp muội, bọ xít, gây hại rải rác trên những vườn hộ lâu năm.

       - Vụ Hè thu năm 2023:

       Trên cây lúa: Sâu cuốn lá nhỏ: mật độ trưởng thành 5-7con/m2, , nơi cao 10-15%, diện tích 88ha, sâu chủ yếu tuổi 2, tuổi 3, tuổi 4 tập trung chủ yếu ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ,…; Chuột phát sinh gây hại hầu hết các địa phương trong tỉnh tỉ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 7-10%, diện tích 200ha; Bệnh khô vằn: tập trung gây hại trên những chân ruộng gieo cấy dày, bón thừa đạm, tỉ lệ 5-7%, nơi cao 15-20%, cục bộ 30-40%, diện tích 1950ha, trong đó 20ha nhiễm nặng, phân bố hầu hết các địa phương; Rầy nâu, rầy lưng trắng: xuất hiện ở một số địa phương (Hương Sơn, Thạch Hà, Cẩm Xuyên) cục bộ dạng ổ 700-1.000con/m2 (xã Tân Dân huyện Đức Thọ), diện tích 1ha, rầy chủ yếu tuổi 3, tuổi 4; Hiện tượng thiếu dinh dưỡng, chăm sóc kém trên một số giống chất lượng, thâm canh cao ở Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê, diện tích 350ha.

       Trên cây ngô: Sâu keo mùa thu, sâu cắn lá diện tích nhiễm 14ha, bệnh đốm lá lớn, bệnh khô vằn 25ha, sâu đục thân, đục bắp 15ha.

       Trên cây ăn quả có múi: Sâu đục thân, đục cành 15ha; nhện nhỏ 60ha, ruồi đục quả 55ha, bệnh nứt thân xì mủ 10ha, bệnh vàng lá thối rễ 1ha phân bố tại Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê,…các đối tượng như rệp muội, bọ xít, gây hại rải rác trên những vườn hộ lâu năm.

       1.1.2. Chăn nuôi


       Hoạt động chăn nuôi 9 tháng năm 2023 cơ bản ổn định và chưa có nhiều khởi sắc khi tổng đàn trâu bò có xu hướng ngày càng giảm do đầu tư không hiệu quả, chăn nuôi lợn và gia cầm vẫn đang phát triển cầm chừng, chưa có bước đột phá nên tổng đàn và sản lượng xuất chuồng mới ở mức tăng nhẹ. Dịch bệnh đối với chăn nuôi vẫn xẩy ra nhưng cơ bản được kiểm soát; việc tái đàn và phục hồi chăn nuôi tiếp tục được quan tâm thực hiện.

       Theo kết quả chăn nuôi như hình ảnh, nhìn chung, lượng cung các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn vẫn đảm bảo nhu cầu thị trường, tuy nhiên việc chi phí chăn nuôi vẫn ở mức cao trong khi giá cả tăng không đáng kể, cùng với đó việc tiếp cận nguồn vốn có lãi suất ưu đãi đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn là những rào cản lớn đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn trong thời gian qua cũng như thời gian tới.

       Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2023 các loại dịch bệnh truyền nhiễm như Viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi, Dịch Lở mồm long móng gia súc phát sinh với mức độ cục bộ, nhỏ lẻ, được khoanh vùng, khống chế ở diện hẹp. Hiện nay xảy ra dịch tả lợn Châu Phi tại 1 hộ ở TP Hà Tĩnh đã tiêu hủy 160 kg (dịch bệnh chưa qua 21 ngày) còn lại các dịch bệnh khác đã qua thời kỳ lây nhiễm.

       Về công tác tiêm phòng đợt 1/2023: Ở đàn Trâu bò: Vắc xin Lở mồm long móng đạt 57,7% kế hoạch; Tụ huyết trùng đạt 52,8% kế hoạch; Viêm da nổi cục đạt 61,8% kế hoạch. Đàn lợn: vắc xin Tụ huyết trùng đạt 82,46% và vắc xin DTL đạt 82.3 % kế hoạch. Tiêm phòng cúm trên đàn gia cầm đạt 28,2% kế hoạch, tiêm Dại chó đạt 79,2% kế hoạch. Tỷ lệ tiêm phòng một số loại vắc xin đạt thấp so với kế hoạch (Vắc xin Viêm da nổi cục: thị xã Kỳ Anh 9,4% KH; Kỳ Anh đạt 18,4% KH; Nghi Xuân 45,5% KH. Vắc xin Cúm gia cầm: Vũ Quang 0% KH; Kỳ Anh 2,1% KH; Nghi Xuân 7% KH; Hương Sơn 7% KH…)

       1.2. Lâm nghiệp


       Sản xuất lâm nghiệp quý III/2023 có nhiều thuận lợi cho việc trồng và chăm sóc rừng; hoạt động khai thác gỗ được đẩy mạnh do nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng. Diện tích rừng trồng mới tập trung quý III/2023 ước đạt 2.131 ha, tăng 54,20% so với quý trước nhưng so cùng kỳ năm trước giảm 6,45%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 160 nghìn cây, giảm 22,71% so với cùng kỳ; sản lượng gỗ khai thác đạt 135,09 nghìn m3, tăng 13,18% so với quý II/2023 và tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác tăng do rừng đến tuổi khai thác, nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến được khôi phục trở lại. Diện tích trồng rừng tập trung chủ yếu ở các địa phương: huyện Kỳ Anh, huyện Hương Khê, huyện Hương sơn, huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà...Tuy nhiên hiện nay do quỹ đất trồng cây phân tán bị hạn chế nên số lượng cây trồng phân tán cả quý II và quý III đều giảm mạnh so với cùng kỳ.

       Tính chung 9 tháng năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 4.802 ha, bằng 101,63%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 315.484 m3, bằng 104,80%; sản lượng củi khai thác ước đạt 197.867 ste, bằng 95,01%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 1.765 ngàn cây, bằng 85,31% so với cùng kỳ năm trước.Trồng rừng, bảo vệ rừng là một trong những việc làm hết sức thiết thực để phát triển bền vững, phát triển rừng vừa tạo ra thu nhập từ rừng, vừa để bảo vệ môi trường vì vậy các cấp, các ngành và người dân đặc biệt quan tâm.

       Trong tháng 9 đã xảy ra 4 vụ cháy rừng, ước tính diện tích rừng bị cháy là 5,39 ha và có 6 vụ phá rừng, ước tính diện tích rừng bị phá là 3 ha khiến diện tích rừng bị thiệt hại tính riêng quý III/2023 là 26,84 ha, tăng 115,20% so với quý trước, và tăng 140,80% cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là rừng bị chặt, phá với 17,36 ha, tăng 61,55% so với cùng kỳ.Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2023, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xẩy ra 10 vụ cháy rừng (tăng 9 vụ so với cùng kỳ), với diện tích rừng bị cháy là 10,27 ha (tăng 9,87 ha) và 82 vụ phá rừng (tăng 16 vụ), với diện tích rừng bị phá là 32,48 ha (giảm 2,64 ha) so với cùng kỳ năm trước.

       1.3. Thủy sản


       Tổng sản lượng thủy sản quý III/2023 ước đạt 19.003 tấn, bằng 135,25% so với sản lượng quý II và bằng 100,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng khai thác ước đạt 11.730 tấn, bằng 108,14% so với quý trước và bằng 101,66% so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng nuôi trồng ước đạt 7.273 tấn, bằng 227,07% so với quý trước và bằng 98,07% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác và nuôi trồng quý III đạt cao nhất trong 3 quý do đây là mùa thu hoạch các loại hải sản biển đa dạng và đối với nuôi trồng vẫn đang thu hoạch vụ tôm Xuân Hè. Chỉ tính riêng sản lượng tôm nuôi trồng trong quý đạt 3.329 tấn, tăng 356,65% so với quý II và tăng 4,26% so với cùng kỳ năm trước, Hà Tĩnh đang tiếp tục phát triển ngành nuôi tôm theo hình thức thâm canh công nghệ cao tại nhiều địa phương nhằm tận dụng lợi thế sẵn có, hướng đến phát triển bền vững.

       Tính chung 9 tháng năm 2023 sản lượng thủy sản ước đạt 46.022 tấn, bằng 102,04% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng khai thác ước đạt 32.327 tấn, bằng 102,65%, sản lượng nuôi trồng ước đạt 13.695 tấn, bằng 100,64% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp nói đà tăng trưởng thủy sản từ năm trước, sản xuất thủy sản trên địa bàn cơ bản vẫn ổn định và tiếp tục có sự tăng nhẹ với mức tăng là 921 tấn so với cùng kỳ năm 2022, và tăng đều ở các loại hình hải sản, trong đó sản lượng cá tăng 466 tấn, tôm tăng 225 tấn. Mặc dù giá bán sản phẩm tương đối ổn định nhưng giá nhiên liệu và các chi phí khác vẫn ở mức cao nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế đạt thấp, điều kiện, phương tiện, tiềm lực khai thác biển đầu tư phát triển chậm nên khó để tạo ra bước đột phá trong khai thác hải sản. Những tháng cuối năm (quý IV) điều kiện thời tiết xấu, mưa bão, lũ lụt xẩy ra bất thường nên hoạt động khai thác biển và nuôi trồng sẽ gặp khó khăn hơn nên sẽ có sự giảm mạnh về sản lượng.

       Tình hình dịch bệnh: Từ đầu năm đến nay, xảy ra các ổ dịch nhỏ lẻ, cơ bản được khống chế kịp thời, diện tích bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính giảm 54% so với cùng kỳ năm 2022; cụ thể: Dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra tại 3 xã thuộc 3 huyện (Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên) với diện tích 3,6 ha; Dịch bệnh đốm trắng xảy ra tại 12 xã thuộc 06 huyện (Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh, Thạch Hà, Nghi Xuân, Lộc Hà) với tổng diện tích 35,35 ha; Bệnh Vi bào tử trùng (EHP) xảy ra với diện tích 4,73 ha thuộc 06 xã của 03 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, đến thời điểm hiện nay, các loại dịch bệnh đã qua 15 ngày. Ngoài ra, theo báo cáo của các địa phương có 63,85 ha tôm bị chết không rõ nguyên nhân (chiếm 2,9% diện tích nuôi) thuộc huyện Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân (do địa phương không lấy được mẫu tôm xét nghiệm).

       2. Sản xuất công nghiệp

       Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong quý III củng như 9 năm 2023 đã có nhiều khởi sắc, ngành sản xuất điện đón nhận sự trở lại của tổ máy số I sau gần 2 năm tạm ngừng do sự cố; các ngành sản xuất thép, sợi có tốc độ tăng sản lượng so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng tiếp tục tăng công suất khai thác nhằm cung cấp vật liệu thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tính chung 9 tháng năm 2023 chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước. Với những yếu tố thuận lợi nói trên sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp Hà Tĩnh trong những tháng còn lại của năm 2023.

       2.1.Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)


       Ước tháng 9/2023, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp so với tháng 8/2023 tăng 17,02%, so với cùng kỳ năm trước tăng 28,1%. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,17% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước ngành này tăng 7,13%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,64% so với tháng trước và tăng 28,76% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,59% so với tháng trước và tăng 24,02% so cùng kỳ năm trước; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,17% so với tháng 8/2023 và tăng 43,31% so với cùng kỳ năm 2022.

       Quí III năm 2023 hoạt động sản xuất công nghiệp lấy lại được đà tăng trưởng khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 23,76% so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế Hà Tĩnh đang dần phục hồi sau những thời gian khó khăn do giá cả nguyên vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ và sự cố hỏng hóc trong thời gian qua.

       Tính chung 9 tháng năm 2023, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 5,60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,50%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,83% (là ngành đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,51%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,25% so với cùng kỳ năm 2022.

       Nguyên nhân dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp chung trong 9 tháng năm 2023 tăng khá là do: (1) Trong quý III vừa qua, tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã đi vào hoạt động sau gần 2 năm tạm ngừng do sự cố, cùng với đó là nhà máy sản xuất Pin VinES đã đi vào hoạt động sẽ là hiệu ứng tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh nhà. (2) Nhờ thị trường tiêu thụ ổn định đã tạo thuận lợi cho ngành sản xuất thép, sợi, bia..vv đã tăng lượng sản xuất trở lại. (3) Một số ngành sản xuất khai khoáng, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao) đã được cấp phép đi vào hoạt động phục vụ đường cao tốc Bắc - Nam là những động lực không nhỏ cho tăng trưởng chung toàn ngành công nghiệp.

       2.2.Một số sản phẩm chủ yếu


       Trong số 19 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 11 nhóm sản phẩm cộng dồn 9 tháng tăng so cùng kỳ (chiếm 57,89% trong tổng số sản phẩm), trong đó, có một sản phẩm có tăng cao như: Vỏ bào, dăm gỗ tăng 20,23%; mực đông lạnh tăng 16,92%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 16,77%; điện thương phẩm tăng 13,05%..vv. Có 8 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm (chiếm 42,11%) trong tổng số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như: Quặng inmenit và tinh quặng inmenit giảm 55,68%; quặng zircon và tinh quặng zircon giảm 45,2%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 35,57%; thức ăn cho gia súc giảm 13,44%.

        Kết quả trên cho thấy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Hiện nay cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi như chính sách giảm thuế, giảm lãi suất cho vay, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp cùng với sự nỗ lực, linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, hy vọng các tháng cuối năm tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn sẽ có mức tăng trưởng khá.

       2.3. Chỉ số ngành công nghiệp

       - Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chính thức tháng 8/2023 tăng 60,93% so với cùng kỳ. Ước tính tháng 9/2023 tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 88,47% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cộng dồn 9 tháng năm 2023 ước tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính chung 9 tháng năm 2023, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm công nghiệp tăng nhẹ so với cùng kỳ, cho thấy các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gặp nhiều thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn hiện nay so với 9 tháng năm 2022.

       - Chỉ số tồn kho: Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chính thức tháng 8/2023 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tháng 9/2023 tăng 29,19% so với tháng trước và tăng 30,49% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ chủ yếu là do tồn kho từ ngành sản xuất trang phục tăng 479,5%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 103,51%; ngành sản xuất đồ uống tăng 53,81%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 48,83%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 37,26%.

       - Tình hình sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 9/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước tăng 8,12%. Chỉ số sử dụng lao động cộng dồn đến cuối tháng 9/2023 tăng 0,76% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ chủ yếu là do tăng số lượng lao động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể chỉ sốsử dụng lao động của ngành này tăng 1,35% so với cùng kỳ năm trước.Hiện nay, một số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm vì vậy nguồn nhân lực tăng so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động tính đến tháng 9/2023 đối với ngành khai khoáng giảm 5,32%, chỉ số sử dụng lao động của ngành này giảm do nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai khoáng gảm nên cắt giảm số lượng lao động. Chỉ số sử dụng lao động ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,52%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 0,49% so với cùng kỳ năm 2022.

       3. Tình hình hoạt động doanh nghiệp


       Quí III năm 2023 tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá có nhiều khởi sắc hơn so với các quý trước. Tuy nhiên tính chung 9 tháng năm 2023 vẫn đang còn tồn tại nhiều khó khăn.UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương; địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

       3.1. Tình hình đăng ký kinh doanh

       Tính từ đầu năm đến ngày 18/9/2023, toàn tỉnh thành lập mới 875 doanh nghiệp, giảm 16,98% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký đạt 3.573 tỷ đồng, giảm 48,58% so cùng kỳ năm trước, vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt 4,08 tỷ đồng, giảm 38,06% so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại sau khi tạm ngừng 282 doanh nghiệp (giảm 9,03% so với cùng kỳ).

       Song song với số lượng Doanh nghiệp thành lập mới, trong 9 tháng vừa qua, tình hình biến động của thị trường trong và ngoài nước, cùng với đó là lãi suất ngân hàng tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cụ thể toàn tỉnh có 157 doanh nghiệp giải thể (tăng 28,69% so với cùng kỳ năm 2022), 471 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 22,98% so với cùng kỳ).

       Nhìn chung, từ kết quả đăng ký thành lập mới, tự giải thể, tạm ngừng hoạt động của các doanh nghiệp cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua vẫn đang còn gặp khó khăn nhất là thiếu nguồn vốn đã ảnh hưởng đến phát triển của doanh nghiệp nói riêng và tình hình phát triển chung của toàn nền kinh tế tỉnh nhà.

       3.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo

       Đánh giá tổng quan tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023 so với quý II/2023, có 82,98% DN đánh giá SXKD của họ tốt lên và giữ ổn định so với quý trước (trong đó có 40,43% khẳng định SXKD tốt lên; 42,55% khẳng định giữ ổn định), bên cạnh đó có 17,02% DN đánh giá tình hình sản xuất khó khăn hơn quý trước. Điều này cho thấy tình hình sản xuất ngành công nghiệp đang có những diễn biến tích cực và thuận lợi hơn. Cụ thể về các yếu tố liên quan tới tình hình sản xuất: Đánh giá quý III/2023 so quý II/2023 có 85,11% doanh nghiệp tăng hoặc ổn định khối lượng sản xuất; có 14,89% doanh nghiệp giảm khối lượng sản xuất. Theo hình thức sở hữu thì loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dự báo giảm khối lượng sản xuất lớn nhất (33,33%) tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước 16,67% và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 9,38%.

       Dự báo xu hướng về tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2023 có 76,6% DN đánh giá SXKD của họ tốt lên và giữ ổn định so với quý trước và 23,4% DN cho rằng tình hình sản xuất quý tiếp theo khó khăn hơn so với hiện tại. Cụ thể về các yếu tố liên quan tới tình hình sản xuất: Có 37,78% doanh nghiệp có số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên; 17,78% giảm đi. Các doanh nghiệp dự báo quý IV/2023 số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới sẽ tăng lên và doanh nghiệp cố gắng duy trì số lượng đơn đặt hàng như quý trước (55,56% nhận định giữ nguyên như quý III; 22,22% DN dự định tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu và có 22,22% DN nhận định lượng hàng xuất khẩu giảm đi). Có 34,04% doanh nghiệp đánh giá tồn kho thành phẩm giảm; 27,66% doanh nghiệp có tồn kho nguyên vật liệu giảm; 2,13% doanh nghiệp có chi phí sản xuất trên một sản phẩm giảm và 12,77% DN có giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm giảm.

       4. Hoạt động thương mại, dịch vụ

       4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:


       Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng Chín phát triển tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,38% so với tháng trước và tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 15,22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 24,17%, quý II tăng 13,68% và quý III tăng 9,31% (Quý I, II tăng mạnh chủ yếu do cùng kỳ năm 2022 bùng phát dịch covid, các hoạt động hương mại chủ yếu ở dịch vụ thiết yếu)

       Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Dự ước tháng 9/2023 ước đạt 5.088,25 tỷ đồng, tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 7,61% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý III/2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 14.930,47 tỷ đồng tăng 4,0% so với quý II/2023 và tăng 7,83% so với cùng kỳ. Trong 3quý thì mức tăng quý III so với cùng kỳ đạt mức khá cao nhưng không tăng mạnh bằng 2 quý trước. Nguyên nhân do tình hình kinh tế, chính trị thế giới bất ổn ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, tác động đến giá nhiều nhóm hàng hóa như xăng, dầu, khí đốt, vàng, sắt thép, đồ dùng công nghệ cao...., giá xăng dầu nhiên liệu trong quý tăng ở các kỳ điều chỉnh gần đây. Bên cạnh việc giá cả tăng cao thì các yếu tố mùa vụ trong quý cũng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu các nhóm hàng như vật phẩm giáo dục, may mặc... trong quý III khi như cầu mua sắm bước vào năm học mới.

       Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 43.398,22 tỷ đồng, tăng 14,13% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng có mức tăng mạnh so với cùng kỳ cụ thể như: Lương thực, thực phẩm tăng 21,26% trong đó quý I tăng 28,61%; quý II tăng 20,81%; quý III tăng 15,40%; Nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 36,09% trong đó quý I tăng 26,11%; quý II tăng 58,60%; quý III tăng 29,33%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 36,89% trong đó quý I tăng 29,70%; quý II tăng 40,73%; quý III tăng 39,12%; Xăng dầu các loại tăng 29,06% trong đó quý I tăng 39,02%; quý II tăng 33,58%; quý III tăng 16,45%. Các nhóm hàng khác cũng có mức tăng doanh thu khá so với cùng kỳ, chỉ có 2 nhóm hàng có doanh thu giảm sâu là nhóm ô tô (giảm 30,67%) và phương tiện đi lại (giảm 42,76%) do đây là các mặt hàng xa xỉ có giá trị cao, khi thu nhập người đang phải gồng gánh các chi phí hàng hóa do giá ở mức cao thì việc mua sắm các mặt hàng có giá trị lớn dường như cũng hạn chế cộng với việc một lượng vốn lớn đang mắc tại thị trường bất động sản.

       Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh 9 tháng năm 2023 chịu nhiều tác động bởi tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Những lo ngại về lạm phát và tình hình suy giảm kinh tế tác động đến cung cầu, giá cả nhiều nhóm hàng hóa trong nước. Việc giá xăng dầu và điện tăng cũng gây nhiều khó khăn, bất lợi cho các hoạt động sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hóa, tuy vậy, môi trường kinh doanh ổn định và các chính sách kích cầu, phát triển kinh tế khiến hoạt động bán lẻ hàng hóa tăng mạnh. Mặc dù vậy, hoạt động của các cơ sở bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như: Giá cả hàng hóa, dịch vụ đang có xu hướng tăng cao do ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất và vận chuyển nên đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Thu nhập của người dân bị ảnh hưởng bởi nguồn thu người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp lạikhông cao và tiền gửi từ người thân làm ăn xa đang gặp khó khăn.

       Dịch vụ l­ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành: Doanh tháng 9/2023 ước đạt 709,89 tỷ đồng, giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 31,15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ lưu trú ước đạt 19,82 tỷ đồng, giảm 28,20% so với tháng trước, giảm 12,79% so với cùng kỳ năm trước. Lượt khách phục vụ hơn 140 nghìn lượt, giảm 27,22% so với tháng trước và tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu lưu trú về những tháng cuối năm nhìn chung giảm, mức giảm cả ở số lượng khách lưu trú cũng như giá phòng do gần như đã hết mùa du lịch biển; Dịch vụ ăn uống ước đạt 687,05 tỷ đồng, tăng 1,07% so với tháng trước, tăng 32,73% so với cùng kỳ năm trước do trong tháng trùng với kỳ nghỉ Lễ Quốc Khánh 02/9 khá dài ngày; Dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 3,02 tỷ đồng, giảm 18,71% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 226,49% so cùng kỳ.

       Tính chung 9 năm 2023, doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 5.659,98 tỷ đồng, tăng 27,09% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lưu trú ước đạt 228,16 tỷ đồng, tăng 19,55%, chỉ tính riêng quý III đạt 89,81 tỷ đồng đạt doanh thu cao nhất trong 3 quý và tăng 14,31% so với cùng kỳ; Ăn uống ước đạt 5.395,73 tỷ đồng,tăng 26,97% so với cùng kỳ năm trước trong đó quý III/2023 đạt 2.019,95 tỷ đồng tăng 9,14% so với quý trước và tăng đến 31,27% so với cùng kỳ; Du lịch lữ hành và dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 36,09 tỷ đồng, tăng 176,54% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung hoạt động ăn uống ngoài gia đình vẫn là nhóm chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất và tăng trưởng ổn định ở cả 3 quý, quyết định trực tiếp đến doanh thu cả khu vực dịch vụ này. Vì vậy, mặc dù đã gần như kết thúc mùa du lịch nhưng hoạt động dịch vụ vẫn tăng trưởng khá. Bên cạnh đó từ đầu năm đến nay, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ngày càng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng, các địa điểm du lịch cũng được đầu tư và đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm. Vì vậy đóng góp của ngành dịch vụ cũng đang là hướng tăng trưởng xanh của kinh tế tỉnh nhà.

       Dịch vụ khác: Doanh thu dịch vụ khác tháng 9/2023 ước đạt 336,43 tỷ đồng, tăng 1,86% so với tháng trước và giảm 7,34% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù trong tháng các hoạt động dịch vụ khác có tăng nhẹ so vói tháng trước nhưng tính chung 3 tháng trong quý III doanh thu dịch vụ khác chỉ đạt 1.009,46 tỷ đồng, giảm 4,2% so với quý trước và giảm 4,34% so với cùng kỳ. Do trong quý có nguyên tháng là tháng 7 âm lịch nên theo quan niệm người dân ít thực hiện các hoạt động cưới hỏi, chăm sóc cá nhân, thi công công trình...

       Tính chung 9 tháng năm 2023 doanh thu dịch vụ khác ước đạt 3.136,91 tỷ đồng, tăng 11,10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm kinh doanh bất động sản tăng 8,29%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 19,21%; giáo dục đào tạo tăng 6,37%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 2,07%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 90,96%; dịch vụ khác tăng 1,66%. Với tình hình khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới nhưng nhờ dịch bệnh Covid đã được bão hòa, công tác điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường thuận lợi các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ nên nhìn chung hoạt động dịch vụ khác 9 tháng năm 2023 ngoại trừ quý 3 do có 1 tháng trùng tháng 7 âm lịch nên có doanh thu giảm nhẹ, còn lại quý I và quý II vẫn đảm bảo tăng ở mức khá.

       4.2. Hoạt động vận tải


       Hoạt động kinh doanh vận tải, kho bãi 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, các tuyến xe liên tỉnh, xe buýt hoạt động ổn định, số lượt hành khách lưu chuyển cũng như giá vé nhìn chung đều tăng. Các loại hình vận tải hành khách chất lượng cao như xe giường nằm limousine, xe di chuyển sân bay đang tăng dần thị phần. Hạ tầng giao thông hoàn thiện, các đơn vị kinh doanh vận tải tập trung đầu tư mạnh cả về chất lượng lẫn số lượng xe, càng giúp cho hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, sức hút từ sự phát triển của ngành du lịch, lưu trú, lữ hành cũng là yếu tố quan trọng góp phần trong sự phát triển của vận tải trên địa bàn.

       Kết quả vận tải, kho bãi tháng 9/2023 doanh thu ước đạt 640,41 tỷ đồng, giảm 0,06% so tháng trước nhưng tăng 28,96% so cùng kỳ năm trước. Tính cả quý III/2023 doanh thu ước đạt 1.908,99 tỷ đồng, tăng 6,13% so quý II/2023 và tăng 26,40% so cùng quý năm trước, trong đó: Vận tải hành khách doanh thu ước đạt 291,28 tỷ đồng, tăng 16,91% so với quý II/2023 và tăng 36,81% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa ước đạt 1.215,19 tỷ đồng, tăng 3,99% so với quýII/2023 và tăng 18,19% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 358,36 tỷ đồng, tăng 8,07% so với quý II/2023 và tăng 34,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2023 các yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu vận tải chủ yếu do tác động của yếu tố mùa vụ khi vào năm học mới, nhu cầu đi lại của đối tượng học sinh, sinh viên và người nhà đi kèm tiến hành nhập học tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết khá thuận lợi cho các công trình xây dựng, san lấp mặt bằng thực hiện thi công, nhất là thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được đẩy nhanh tiến độ thi công nên nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải hàng hóa tăng.

       Tính chung 9 tháng năm 2023 doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 5.299,43 tỷ đồng, tăng 17,21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 781,41 tỷ đồng, tăng 39,38%; số lượng hành khách vận chuyển ước đạt 9.352,1 nghìn HK, tăng 34,65% và luân chuyển đạt 1.784,43 triệu HK.km, tăng 47,8%; vận tải hàng hóa ước đạt 3.419,68 tỷ đồng, tăng 13,78%; khối lượng vận chuyển ước đạt 37.449,3 nghìn tấn, tăng 15,3% và luân chuyển ước đạt 1.154,41 triệu tấn.km, tăng 9,43%. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 961,05 tỷ đồng, tăng 1,54% so với cùng kỳ năm trước.

       Kết quả hoạt động kinh doanh vận tải, kho bãi trong quý III và 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, các tuyến xe liên tỉnh, xe buýt hoạt động ổn định. Số lượt hành khách lưu chuyển cũng như giá vé nhìn chung đều tăng. Các loại hình vận tải hành khách chất lượng cao như xe giường nằm limousine, xe di chuyển sân bay đang tăng dần thị phần. Hạ tầng giao thông hoàn thiện, các đơn vị kinh doanh vận tải tập trung đầu tư mạnh cả về chất lượng lẫn số lượng xe, càng giúp cho hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, sức hút từ sự phát triển của ngành du lịch, lưu trú, lữ hành cũng là yếu tố quan trọng góp phần trong sự phát triển của vận tải hành khách trên địa bàn. Nhu cầu đi lại, tham quan du lịch của người dân trong các dịp lễ tăng cao. Các doanh nghiệp vận tải đã tăng công suất vận chuyển để phục vụ nhu cầu đi lại của khách hàng. Cùng với đó, hoạt động xây dựng trên địa bàn tăng mạnh, nhu cầu về vận chuyển vật liệu xây dựng tăng.

       5. Tài chính, ngân hàng

       5.1. Hoạt động tài chính


       Tổng thu ngân sách đến địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2023 đạt thấp so với cùng kỳ (giảm 14,81%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn; thị trường bất động sản chậm phục hồi, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, rút lui khỏi thị trường tăng cao. Cùng với đó, việc thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cũng làm giảm thu ngân sách. Chi ngân sách Nhà nước tiếp tục tập trung ưu tiên cho công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội.

       Thu ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách nhà nước sơ bộ tính đến ngày 15/9/2023 đạt 12.050,54 tỷ đồng (giảm 14,81% so với cùng kỳ). Trong đó, thu nội địa đạt 6.126,56 tỷ đồng (chiếm 75,92 % trong tổng thu) giảm 3,41% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ khoản thu đột biến 1.098 tỷ đồng từ khu vực đầu tư nước ngoài (cụ thể là truy thu sau thanh tra, thuế nhà thầu, thuế GTGT của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh), thu nội địa đạt 5.028,56 tỷ đồng bằng 79,27% cùng kỳ. Cụ thể một số sắc thuế giảm mạnh so với cùng kỳ như: Các khoản thu về nhà đất đạt 1325,16 tỷ đồng (giảm 43,76%); thuế thu nhập cá nhân đạt 249,16% giảm 37,83%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 56,74 tỷ đồng (giảm 18,28%)… Bên cạnh thu nội địa, thu hoạt động xuất nhập khẩu tính đến ngày 15/9/2023 đạt 5.836,59 tỷ đồng (chiếm 48,43% tổng thu) giảm 22,89% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới nên Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn trong SXKD những tháng đầu năm dẫn đến nguồn thu ngân sách của Hà Tĩnh bị ảnh hưởng. Hiện nay với việc Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 hoạt động trở lại sau gần 2 năm gặp sự cố; Nhà máy sản xuất Pin VinES Hà Tĩnh đã chính thức sản xuất... đây được kỳ vọng là một trong những nhân tố giúp Hà Tĩnh bứt phá trong chặng đua thu ngân sách những tháng còn lại năm 2023.

       Chi ngân sách Nhà nước: Mặc dù thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn nhưng việc điều hành và thực hiện dự toán chi ngân sách địa phương cơ bản đảm bảo triển khai kịp thời các nhiệm vụ phát sinh cũng như các nhiệm vụ bổ sung từ nguồn ngân sách Trung ương. Tổng chi ngân sách nhà nước tính đến ngày 15/9/2023 đạt 15.927,81 tỷ đồng tăng 20,11% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu nguồn chi thì chi đầu tư phát triển đạt 7.595,26 tỷ đồng chiếm 47,69% tổng chi, tăng 41,80% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 8.226,39 tỷ đồng chiếm 51,65% tổng chi, tăng 4,91% so với cùng kỳ năm 2022.

       5.2. Hoạt động ngân hàng


       Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2023 tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ chế, chính sách của ngành đã được triển khai đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giúp khách hàng biết đến và sớm tiếp cận được các chính sách, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nguồn vốn huy động trên địa bàn 9 tháng năm 2023 có sự tăng trưởng tốt (tăng 11,22% so với cuối năm 2022). Tuy nhiên hiện nay việc cấp tín dụng vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 2,56% so với cùng kỳ năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

       Công tác huy động vốn trên địa bàn tiếp tục được đẩy mạnh. Mặc dù lãi suất huy động trong năm 2023 có xu hướng giảm dần nhưng với việc triển khai nhiều chính sách hiệu quả, nhờ đó, nguồn vốn huy động trên địa bàn có sự tăng trưởng tốt. Tổng nguồn vốn huy động ước đến 30/9/2023 đạt 93.725 tỷ đồng, tăng 11,22% so với cuối năm 2022, tăng 13,71% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 12.205 tỷ đồng chiếm 12,7% tổng nguồn vốn huy động, giảm 0,2% so với cuối năm 2022; nguồn tiền gửi tiết kiệm đạt 70.970 tỷ đồng, tăng 14,15% so với cuối năm 2022.

       Dư nợ cho vay ước đến 30/9/2023 đạt 90.800 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cuối năm 2022 và tăng 2,56% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 62.910 tỷ đồng (chiếm 69,28% tổng dư nợ), tăng 6,92% so với cuối năm 2022; dư nợ trung dài hạn ước đạt 27.890 tỷ đồng (chiếm 30,72% tổng dư nợ), giảm 1,67% so với đầu năm. Dư nợ đối với các lĩnh vực ưu tiên đạt 43.412 tỷ đồng, chiếm 47,81% tổng dư nợ , giảm 18,47% so với cuối năm 2022. Trong 9 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu do các yếu tố khách quan như: do tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; một số khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn; tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản…

       Các TCTD trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định về điều hành lãi suất của Thống đốc NHNN, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần. Lãi suất huy động tiền gửi bằng VNĐ ở mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3-4,75% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,7-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 5,8-6,8%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và dân cư. Lãi suất cho vay VNĐ ngắn hạn phổ biến 4-10%/năm, trung dài hạn phổ biến 9-13%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 3,7-4,5%/năm; trung, dài hạn phổ biến mức 6-6,1%/năm. Công tác quản lý ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng được triển khai thực hiện nghiêm túc tại địa bàn.

       Nợ xấu nội bảng của các TCTD trên địa bàn có xu hướng tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2023. Đến cuối tháng 9, nợ xấu trên địa bàn là 1300 tỷ đồng, tăng 137,56% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,43%, tăng nhanh so với mức 0,66% cuối năm 2022. Những tác động tiêu cực của hậu đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng.

       6. Vốn đầu tư


       Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2023 đạt 81% kế hoạch, tăng 33% so với cùng kỳ nhờ giải ngân tăng cao của khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (chủ yếu từ dự án cao tốc Bắc Nam, dự án Nhiệt điện Vũng Áng II). Đây là yếu tố quan trọng góp phần tăng sức cầu của nền kinh tế, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh, tạo đà tích cực cho thời gian tới.

       Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh quý III/2023 dự ước đạt 14.744,45 tỷ đồng, tăng 19,85% so với quý trước, tăng 24,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn nhà nước trên địa bàn ước 4.255,80 triệu đồng, tăng 73,91% so với quý trước và tăng 24,42% so với cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn Hà Tĩnh đang có 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng chiều dài 107,22km đang được tiến hành thi công. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực, máy móc, chia làm nhiều mũi thi công đẩy nhanh dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh. Tổng vốn đầu tư dự án này thực hiện trong quý III/2023 ước đạt 2.310 tỷ đồng, tăng 120,84% so với quý trước. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến vốn nhà nước tăng mạnh trong quý III.2023. Ngoài ra, các công trình giao thông đường bộ trên địa bàn tận dụng tối đa nguồn lực để thi công kịp kế hoạch vốn năm 2023. Vốn thực hiện do địa phương quản lý đạt 1.741 tỷ đồng, tăng 43,24% so với quý trước.

       Vốn ngoài nhà nước ước đạt 5.870,38 tỷ đồng, tăng 20,83% so với quý trước và tăng 5,58% so với cùng kỳ năm trước. Dự án nhà máy sản xuất Pin VinEs do tập đoàn Vingroup đầu tư tăng tổng mức đầu tư từ 3.784 tỷ đồng lên 5.010 tỷ đồng. Vốn thực hiện trong quý dự ước là 1.169 tỷ đồng, tăng 3 lần so với quý trước, chủ yếu là mua sắm máy móc thiết bị lắp đặt trong nhà máy. Dự án này đã hoàn thành và đi vào sản xuất kinh doanh từ tháng 9.2023. Ngoài ra vốn đầu tư hộ dân cư ước đạt 3.282.958 triệu đồng, tăng 6,55% so với quý trước, giảm 5,73% so với cùng kỳ năm trước.

        Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ước đạt 4.618,27 tỷ đồng, giảm 7,57% so với quý trước và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý các dự án trọng điểm tiếp tục được triển khai như: Các hạng mục phụ trợ thuộc nhà máy gang thép Formosa (202 tỷ đồng). Dự án xây dựng nhà máy sản xuất Pin Lithium đã hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan và mặt bằng dự án, vốn đầu tư xây dựng trong quý III.2023 ước đạt 1.259 tỷ đồng; nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II đang được tiến hành theo đúng tiến độ đề ra vốn đầu tư xây dựng ước đạt 3.028 tỷ đồng.

        Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh ước đạt 36.352,56 tỷ đồng, tăng 33,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng chủ yếu ở nguồn vốn đầu trực tiếp từ nước ngoài ước đạt 12.723,80 tỷ đồng, chiếm 35% tổng vốn tăng 5.848,91 tỷ đồng (tăng 85,08%) so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu, dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 đẩy nhanh tiến độ so với cùng kỳ năm trước, giá trị thực hiện ước đạt 10.864 tỷ đồng. Bên cạnh đó nguồn vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.491,27 tỷ đồng, chiếm 23,36% tổng vốn, tăng 3.269,28 tỷ đồng (tăng 62,61%) so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư các thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh ước đạt 4.108 tỷ đồng.

       7. Hoạt động xuất nhập khẩu


       Tình hình xuất, nhập khẩu tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 9 và quý III/2023 chuyển dịch theo hướng hợp lý khi tăng xuất khẩu và giảm dần nhập khẩu. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch vẫn đạt 4.784 triệu USD tăng 15,40% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: xuất khẩu tăng 58,11% trong khi nhập khẩu giảm 4,09%. Việc thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/TU và Quyết định số 1681/QĐ-UBND về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đang mang lại những hiệu quả tích cực trong hoạt động xuất động xuất khẩu của tỉnh nhà.

       Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 9 ước đạt 190,5 triệu USD, tăng 2,70% so với tháng trước và tăng 42,41% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng khó khăn tại các thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn và xơ sợi khiến kim ngạch xuất khẩu 2 nhóm hàng này giảm khá sâu so với tháng trước (Dăm gỗ giảm 29,41%; xơ, sợi dệt các loại giảm 13,98%) còn lại các mặt hàng khác đều tăng khá khả quan so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng vẫn ở mức tăng cao. Riêng xuất khẩu thép, phôi thép ước đạt 172,5 triệu USD, tăng 5,70% so với tháng trước và tăng 47,95% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 90,55% giá trị xuất khẩu trong tháng.

       Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 2.054 triệu USD, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều có kim ngạch tăng đóng góp vào mức tăng chung 58,11% của xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu thép, phôi thép ước đạt 1.894,7 triệu USD tăng 67,19%, theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới (WSA) Nhu cầu thép sản xuất ngoại trừ các lĩnh vực liên quan đến bất động sản được cho là sẽ “tăng trưởng tốt” trong thời gian còn lại của năm 2023. Nhu cầu thép từ ngành đóng tàu sẽ vẫn mạnh trong thời gian còn lại của năm 2023 do lượng lớn đơn đặt hàng đóng tàu đã nhận được trong vài năm qua. Nhưng bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt các loại tiếp tục gặp khó khăn từ tình hình thế giới, khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 17,38% (tương ứng giảm hơn 1,6 triệu USD) mặc dù đã có những giải pháp được triển khai nhưng việc giảm nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản không nhỏ tới việc phát triển nhóm hàng này trong tương lai.

       Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 9/2023 ước đạt 290,6 triệu USD, giảm 3,46% so với tháng trước nhưng tăng 93,41% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do Formosa giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất (Nhập khẩu từ FHS ước đạt 205,5 triệu USD, tăng 95,71% tương ứng tăng 140,3 triệu USD so với cùng kỳ năm trước) chứng tỏ việc ổn định sản xuất của nhà máy thép Formosa.

       Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.730,6 triệu USD, giảm 4,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất Formosa đạt 2.044,4 triệu USD (chiếm 74,87%) giảm 17,31% so với cùng kỳ năm trước. Những tháng cuối năm việc sản xuất phục vụ những đơn hàng cuối năm tăng khiến nhu cầu nguyên liệu đầu vào tăng theo, tuy nhiên sự biến động giá quặng sắt đang có dấu hiệu tăng khiến mức nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của Formosa những tháng trong quý IV/2023 sẽ tăng nhưng ở mức tăng không cao.

       8. Giá cả, lạm phát

       Việc giá các nhóm lương thực, thực phẩm, xăng dầu đang ở mức cao và vẫn tiếp tục tăng trong thời gian gần đây cộng với việc sách giao khoa và các vật phẩm giáo dục tăng phục vụ năm học mới là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,18% so với tháng 12/2022 và tăng ở mức 1,95 % so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2023, CPI chung tăng ở mức 1,67% so với cùng kỳ năm trước.

       Trong mức tăng 0,46% của CPI tháng 9/2023 so với tháng trước có 08 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng so với tháng trước, 02 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước và 01 nhóm ổn định về chỉ số:

       08 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng so với tháng trước gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,76% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 1,33%. Trong đó: Lương thực tăng 2,85% so với tháng trước và tăng 9,6% so với cùng tháng năm trước do ảnh hưởng thị trường thế giới khi nguồn cung bị gián đoạn sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số nước đã đẩy giá gạo tăng mạnh so với thời điểm trước; Thực phẩm tăng 0,57% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,26%. (tính riêng thịt gia súc tăng 1,01%; thịt gia cầm tăng 0,32%; thủy hải sản tươi sống tăng 0,81%). Giá thịt lợn tiếp tục tăng trong thời gian qua, bên cạnh đó thời tiết nắng nóng kéo dài cả trong quý II và quý III đã ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của các loại rau, củ quả mùa vụ, nguồn rau củ nhập khẩu Trung Quốc cũng gặp khó khăn là những yếu tố khiến nhóm rau củ quả tăng 0,24% so tháng trước.

       Đồ uống và thuốc lá tăng 0,28% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,87% nguyên nhân chủ yếu do các nguyên liệu đầu vào như đường mía tăng mạnh công với chi phí vận chuyển lên khiến giá cả các loại đồ uống giải khát tăng. Hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14% so tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm 0,28% do ảnh hưởng nhu cầu đầu năm học mới.

       Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,05% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 4,31%, trong tháng, nhóm dù giá thép đã có phần hạ nhiệt nhưng giá vật liệu gạch, đá, xi măng... các loại tăng do chi phí vận chuyển tăng. Giá khí đốt gas hóa lỏng và dầu hỏa tăng theo xu thế thị trường thế giới;

       Các vật phẩm giáo dục, đồ dùng học tập tăng giá khi nhu cầu mua sắm đầu tháng ở mức cao nhằm phục vụ năm học mới, giá học phí tại các trường tư thục các cấp cũng được điều chỉnh tăng giá theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP áp dụng từ năm học 2023-2024 điều này khiến chỉ số giá nhóm Giáo dục tăng 1,73% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 2,1%. Bên cạnh đó nhóm giao thôngcũng tăng 0,88% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 2,45% do giá xăng, dầu liên tục tăng mạnh trong tháng qua các lần điều chỉnh. Trong khi đó, giá cước vận tải đường sắt và đường hàng không ổn định;

       Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03% so tháng trước, tăng 5,44% so cùng tháng năm trước, các mặt hàng trong tháng nhìn chung ổn định, ngoại trừ giá các loại hoa tươi tăng giá mạnh do nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ rằm tháng bảy âm lịch; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 4,42%, trong nhóm hàng này chỉ số giá cơ bản ổn định chỉ tăng nhẹ ở một số dịch vụ chăm sóc cá nhân do sự tăng giá của các điện, gas, xăng dầu...

       02 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước gồm: Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,01% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,7%; bưu chính viễn thông giảm 0,02% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước giảm 0,11%, yếu tố tác động chủ yếu do tháng 9 trùng tháng 7 âm lịch khiến nhu cầu mua sắm đồ dùng gia đình, nhất là đồ nội thất, đồ dùng đắt tiền giảm. Thời tiết giao mùa cũng khiến giá một số thiết bị điện lạnh như điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh giảm giá, bên cạnh đó giá một số thiết bị di động thông minh ra mắt từ lâu giảm giá do sức ép từ loạt thiết bị mới ra mắt và được mở bán, đặc biệt là dòng Iphone mới sắp ra mắt.

       Chỉ có 01 nhóm hàng không có biến động về chỉ số so với tháng trước là nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Giá vàng bình quân trong tháng 9 ở mức 5.660 nghìn đồng/chỉ 9999, tăng 2,98% so với tháng trước, tăng 11,76% so với cùng tháng năm trước; giá đô la mỹ bình quân 2.377.491 đồng/100 USD tăng 2,69% so với tháng trước và tăng 1,47% so với cùng tháng năm trước.


       CPI bình quân quý III/2023 tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,63%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 5,99%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,49%; giáo dục tăng 2,97%;may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,59%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,82%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,56%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,37%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%; Có 2 nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là bưu chính viễn thông giảm 0,37%; giao thông giảm 1,73%.

       Tính chung 9 tháng năm 2023, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực thành thị tăng 1,53%; nông thôn tăng 1,73%. Nhìn chung, tình hình giá cả trên thị trường 9 tháng năm 2023cơ bản được kiểm soát, có một số mặt biến động tăng giá mạnh, cũng có nhóm biến động giảm khá sâu. Mức biến động mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước sinh hoạt. Các nhóm nguyên nhân ảnh hương đến chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng năm 2023 có thể kể đến như sau: (1) Ảnh hưởng của thị trường thế giới trong việc điều chỉnh giá xăng, dầu, nhiên liệu gas, khí hóa lỏng... trực tiếp tác động đến đến giá các loại xăng, dầu, nhiện liệu khác ở trong nước. (2) Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,53% so với cùng kỳ năm trước do giá điện, gas và các loại vật liệu xây dựng như xi măng, gạch, đá, cát...tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, mặc dù giá thép thời gian gần đây đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn đang ở mức giá khá cao. (3) Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,43% do dịch Covid-19 được kiểm soát và gần như đã bảo hòa nên nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng, bên cạnh đó chi phí xăng dầu ở mức cao nên các nhà kinh doanh vận tải đã tăng giá cước, phí vận tải lên đáng kể. (4) Giá các mặt hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,42% (trong đó lương thực tăng đến 5,55% và thực phẩm tăng 2,46%) do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết.. bên cạnh đó giá gạo đang ở mức cao do ảnh hưởng nguồn cung lương thực trên thị trường thế giới gián đoạn sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số nước; giá các loại thịt hơi, nhất là thịt lợn và thịt gà tăng trở lại và vẫn ở mức cao. (5) Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 2,37% so với cùng kỳ năm trước do ở các trường tư thục đã tăng học phí theo Nghị định 81/NĐ-CP từ tháng 9/2023 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2023-2024 theo hỗ trợ của Hội đồng nhân dân tỉnh. Bên cạnh đó yếu tố tác dộng trực tiếp nhất đến giá cả là nhu cầu thì trường, biến động theo yếu tố mùa vụ nên các loại hàng hóa cũng biến động theo các biến động của thời tiết, các dịp ngày Lễ, rằm tháng 7...

       Dự kiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2023 nhìn chung sẽ giảm hơn so với tháng 9. Các loại lương thực thực, thực phẩm, đồ uống dự kiến tăng trở lại về cuối năm khi thời tiết chuyển mùa, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn hơn, thời tiết chuyển dần sang mùa lạnh cũng khiến nhu cầu các nhóm mặt hàng như may mặc, thực phẩm, đồ dùng gia đình, điện, nước sinh hoạt có sự thay đổi.

       II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

       1. Lao động việc làm


       Quý III năm 2023, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đã tăng cường tuyển dụng lao động với mức lương hấp dẫn, song vẫn không tuyển đủ lao động, do chế độ, chính sách làm việc cho người lao động của doanh nghiệp ở Hà Tĩnh vẫn chưa đủ sức thu hút và giữ chân người lao động; mức lương vùng tại khu vực Hà Tĩnh khá thấp nên người lao động có xu hướng tìm kiếm các doanh nghiệp ngoại tỉnh như: Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… để tìm kiếm cơ hội việc làm. Vì vậy, tình hình lao động việc làm ở Hà Tĩnh có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước.

       Lực lượng lao động: Kết quả điều tra lao động việc làm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh Hà Tĩnh ước quý III năm 2023 là 529.361 người, tăng 7,15% so với quý trước và giảm 3,09% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tổng số, lực lượng lao động nam 274.912 người (chiếm 51,93% trong tổng số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên); lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị là 129.789 người (chiếm 24,52% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên).

       Quý III năm 2023, có đến 55,07% dân số 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, tăng 3,15 điểm phần trăm so với quý II/2023 và giảm 0,61 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chênh lệch đáng kể giữa nam và nữ (lần lượt là 57,5% và 52,67%); tỷ lệ này cũng không đồng đều giữa các vùng, ở thành thị là 59,97%, cao hơn nông thôn là 6,32 điểm phần trăm.

       Tính chung 9 tháng năm 2023, lực lượng lao động 15 tuổi trở lên ước tính là 513.845 người, giảm 2,11% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó lực lượng lao động nam là 265.087 người, chiếm 51,59% trong tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên; lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị là 125.910 người, chiếm 24,5%.

       Lao động có việc làm: Theo kết điều tra lao động việc làm, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm ở Hà Tĩnh ước tính quý III năm 2023 là 513.893 người, chiếm 97,08% trong tổng số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên; tăng 7,03% so với quý trước và giảm 1,21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tổng số, lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 125.529 người, chiếm 24,43% trong tổng số; lao động có việc làm ở nam giới là 268.166 người, chiếm 52,18%. Khi phân lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc theo ngành kinh tế ta thấy cơ cấu lao động chuyển dần theo chiều hướng tích cực: tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30,25% trong tổng số (tương ứng 155.463 người), giảm 0,44 điểm phần trăm so với quý trước; Công nghiệp – Xây dựng chiếm 28,02% (tương ứng 143.986 người), giảm 1,65 điểm phần trăm; Thương mại – Dịch vụ chiếm 41,73% (tương ứng 214.444 người), tăng 2,08 điểm phần trăm.

       Tính chung 9 tháng năm 2023, lao động 15 tuổi trở lên có việc làm là 495.672 người, chiếm 96,46% tổng số lực lượng lao động 15 tuổi trở lên và giảm 0,79% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tổng số, lao động có việc làm ở thành thị là 123.848 người, chiếm 24,99%; ở nam giới là 256.560 người, chiếm 51,76%. Phân theo khu vực kinh tế, số lao động làm việc trong lĩnh vực ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2023 chiếm 30,31% (tương ứng 150.272 người), giảm 0,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 28,78% (tương ứng 142.588 người), tăng 0,87 điểm phần trăm; còn khu vực dịch vụ chiếm 40,91% (tương ứng 202.812 người), giảm 0,81 điểm phần trăm.

       Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm:Theo kết quả điều tra lao động việc làm, quý III/2023 dân số lao động không có việc làm (thất nghiệp) là 15.468 người, chiếm 2,92% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên và tăng 0,11 điểm phần trăm so quý trước. Trong đó, có đến 72,46% lao động thất nghiệp cư trú ở nông thôn (tương đương 11.208 người). Còn theo giới tính, lao động nữ chiếm nhiều hơn nam, chiếm 56,39% (tương đương 8.722 người). Xét riêng trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ thất nghiệp ước tính là 5,64%, tăng 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và 0,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

       Tính chung 9 tháng năm 2023, số người không có việc làm (thất nghiệp) ước tính là 18.173 người, chiếm 3,54% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên và giảm 1,28 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động thất nghiệp chủ yếu là khu vực nông thôn chiếm đến 88,65% (tương đương 16.111 người); còn ở nam giới là 46,92% (tương đương 8.527 người). Xét riêng trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ thất nghiệp 9 tháng năm 2023 ước tính là 5,58%, tăng 0,24 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

       Tình hình giải quyết việc làm:Để giúp người lao động có việc làm ổn định, ngoài tổ chức các sàn giao dịch định kỳ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đã kết nối với một số doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm; đồng thời triển khai chương trình hợp tác xuất khẩu lao động, mở thêm nhiều lớp đào tạo tay nghề cho lao động Hà Tĩnh.

       Tình hình giải quyết việc làm ở Hà Tĩnh có sự biến động, quý II tăng 43,82% so với quý I; sang quý III lại giảm so với quý II (giảm 16,07%), nhưng vẫn tăng so với quý I (tăng 20,71%). Trong quý III/2023, lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và đi làm ngoài tỉnh đều giảm mạnh so với quý I và quý II: làm việc trong tỉnh giảm lần lượt là 71,13% và 68,55%, lao động đi làm việc ngoại tỉnh giảm lần lượt là 74,93% và 83,66%; còn xuất khẩu lao động tăng mạnh, lần lượt tăng gấp 5 lần so với quý I và tăng 82,33% so với quý II.

       Số người được giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động 9 tháng năm 2023 là 19.083 người, tăng 0,87% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 6.382 người, chiếm 33,44% trong tổng số, giảm 9,11% so với cùng kỳ năm trước; lao động đi làm việc ngoại tỉnh 3.721 người, chiếm 19,5%, giảm 15,95%; xuất khẩu lao động 8.980 người, chiếm 47,06%, tăng 20,23%. Số người người xuất khẩu lao động chủ yếu làm việc tại Đài Loan là 4.166 người, chiếm 46,39% trong tổng số người đi xuất khẩu lao động; tiếp đến là Nhật Bản 3.158 người, chiếm 35,17%; Hàn Quốc 988 người, chiếm 11%; còn lại các nước khác là 668 người, chiếm 7,44%. Như vậy, số người được giải quyết việc làm 9 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do số người đi xuất khẩu lao động tăng.

       2. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội

       Đời sống dân cư: Quý III và trong 9 tháng năm 2023 tình hình dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hoạt động công nghiệp, xây dựng thương mại, dịch vụ hoạt động ổn định, tình hình về lao động và việc làm ở Hà Tĩnh có phần khởi sắc; nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đã tăng cường tuyển dụng lao động với mức lương hấp dẫn. Trong 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 01 vụ thiên tai, giảm 05 vụ so với cùng kỳ năm trước; các dịch bệnh đối với chăn nuôi cơ bản được kiểm soát, việc tái đàn và phục hồi chăn nuôi đang tiếp tục được thực hiện; sản xuất và thu hoạch lúa Dông Xuân và Hè Thu được mùa; nuôi trồng và khai thác thủy sản thuận lợi. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các chương trình, đề án giảm nghèo với mục tiêu là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân đặc biệt là ở khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, an ninh lương thực, an toàn nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh; tăng cường kết nối về hạ tầng, đào tạo nghề và hỗ trợ giải quyết việc làm nên quý III và 9 tháng năm 2023 đời sống các tầng lớp dân cư trên địa bàn ổn định, toàn tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu đói trong dân cư.

       Công tác an sinh xã hội:9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã trao tặng khoảng 283.993 suất quà cho các đối tượng người có công, hộ nghèo, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền là 99.181 triệu đồng. Cụ thể: Tặng quà cho người có công khoảng 159.467 suất quà trị giá 44,583 tỷ đồng; Tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khoảng 39.599 suất quà trị giá 22,269 tỷ đồng; Tặng quà cho người cao tuổi khoảng 31.865 suất quà trị giá 12,310 tỷ đồng; Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khoảng 29.916 suất quà trị giá 10,889 tỷ đồng; tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác khoảng 23.146 suất quà trị giá 9,129 tỷ đồng. Cấp khoảng 17.260 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, 33.129 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, 146.766 thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, 44.755 thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và 177.381 các loại thẻ khác. Số nhà tình nghĩa, nhà tình thương xây mới là 584 nhà, kinh phí khoảng 40.555 triệu đồng; Số nhà tình nghĩa, nhà tình thương sửa chữa là 21 nhà, kinh phí khoảng 1.743 triệu đồng. Trao tặng 2 sổ tiết kiệm với trị giá 60 triệu đồng cho các gia đình chính sách khó khăn. Công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời; các cấp, các ngành đã làm tốt công tác huy động nguồn lực, tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công với các mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chu đáo.

       3. Giáo dục

       Sáng ngày 5/9, hơn 362 ngàn giáo viên và học sinh ở 668 trường học (255 trường mầm non, 221 trường tiểu học, 147 trường THCS và 45 trường THPT) với 10.695 lớp (mẫu giáo 2.916 lớp, tiểu học 4.182 lớp, THCS 2.407 lớp, THPT 1.190 lớp) trên địa bàn Hà Tĩnh náo nức khai trường. Lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024 được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức trực tiếp, trang trọng, ngắn gọn, ý nghĩa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh ở khắp các vùng miền.

       Công tác giáo dục ngày càng được các cấp, các ngành và tổ chức cá nhân quan tâm, hỗ trợ như: Doanh nhân Nguyễn Thái Huy - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty JANUS HOLDING đã tài trợ 100 tivi 65 inch, trị giá gần 2 tỷ đồng cho ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Sơn; Công ty TNHH XD-TM-DV Sao Vàng đất Việt trao tặng các Trường THPT của huyện Hương Khê 10 bộ máy vi tính và 01 tivi 65 inch phục vụ nhiệm vụ dạy học; Trường THCS Phan Đình Phùng 10 bộ máy vi tính và 01 tivi 65 inch phục vụ hoạt động dạy học; tặng 50 triệu đồng cho quỹ khuyến học của nhà trường THPT Cù Huy Cận.

       4. Hoạt động y tế


       Tình hình dịch Covid-19 (Số liệu theo Sở Y tế Hà Tĩnh cập nhật đến 15h00’ ngày 17/9/2023):

       Hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là, cần chủ động tiêm vắc-xin phòng COVID-19; ngành cũng tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau:

       Tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn, chỉ đạo việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả. Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án đáp ứng khi chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

       Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tiêm vắc xin phòng COVID-19; tổ chức triển khai hiệu quả các chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với thông điệp “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”.

       Tổng số ca mắc từ ngày 04/6/2021 đến nay là 59.830 ca mắc. Tính từ ngày 01/01/2022 đến nay là 58.871 ca mắc.

       Công tác phòng chống HIV/AIDS: Nhằm hạn chế nhiễm HIV/AIDS, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.

       Trong tháng, có 2 người nhiễm mới HIV, 2 người chuyển thành AIDS và không có người chết vì AIDS; giảm 01 người chết vì AIDS, còn số người nhiễm mới HIV, số người chuyển thành AIDS không thay đổi so với tháng trước và tăng 01 người nhiễm mới HIV, tăng 01 người chuyển thành AIDS và giảm 01 người chết vì AIDS so với cùng kỳ năm trước.

       Tính chung 9 tháng năm 2023, có 38 người nhiễm mới HIV, 30 người chuyển thành AIDS và 05 người chết vì AIDS; tăng 24 người nhiễm HIV, 23 người chuyển thành AIDS và tăng 02 người chết vì AIDS so với cùng kỳ năm trước.

       Công tác an toàn thực phẩm: Chủ động đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là vào các dịp lễ, tết. Các cấp, các ngành thường xuyên phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm như: Các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2023 do ngành Y tế chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện từ ngày 13/9 đến hết ngày 28/9/2023. Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh; lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng sản phẩm (khi thấy có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm); xử lý nghiêm, kịp thời hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm (nếu có và vượt quá thẩm quyền) theo đúng quy định của pháp luật hiện hành...

       Trong tháng, xảy ra 01 vụ ngộ độc tập thể vào ngày 24/8/2023 tại thôn 2 xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn làm 12 người bị ngộ độc, không có người chết vì ngộ độc, bên cạnh đó có 73 ca ngộ độc đơn lẻ và không có người chết vì ngộ độc; tăng 01 vụ ngộ độc tập thể (tăng 12 người ngộ độc), giảm 14 ca ngộ độc đơn lẻ (giảm 16,09%) so với tháng trước và tăng 01 vụ ngộ độc (tăng 12 người ngộ độc), giảm 06 ca ngộ độc đơn lẻ (giảm 7,59%) so với cùng kỳ năm trước.

       Tính chung 9 tháng năm 2023, có 02 vụ ngộ độc tập thể (làm 19 người bị ngộ độc), 714 ca ngộ độc đơn lẻ và không có người chết vì ngộ độc; tăng 01 vụ ngộ độc tập thể (tăng 15 người bị ngộ độc), tăng 55 ca ngộ độc đơn lẻ (tăng 8,35%) và số người chết không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

       Tình hình dịch bệnh khác:

       Trong thời gian gần đây bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đã bùng phát thành dịch ở một số địa phương. Tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đã ghi nhận hơn 5.600 trường hợp mắc bệnh, chủ yếu là học sinh ở 21/21 xã, thị trấn. Để thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để bệnh gia tăng, lan rộng, đặc biệt là tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế. Sở Y tế đã ban hành Công văn số 3156/SYT-NVY ngày 14/9/2023 về việc tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ (bệnh viêm kết mạc cấp) đến các cơ quan đơn vị trong toàn tỉnh.

       Ngoài ra dịch đau mắt đỏ, trong tháng trên địa bàn Hà Tĩnh còn có một số ca bệnh đơn lẻ khác như: 07 ca sốt xuất huyết, 01 ca mắc bệnh quai bị, 02 ca mắc lỵ trực trùng, 06 ca mắc lỵ a míp, 08 ca mắc bệnh thủy đậu, 1.192 ca mắc bệnh cúm, 22 ca mắc tay chân miệng, 168 ca tiêu chảy, 04 ca viêm gan vi rút khác; không có người chết do các bệnh trên.

       Tính chung 9 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh có một số ca bệnh đơn lẻ, gồm: 52 ca sốt xuất huyết (giảm 215 ca so với cùng kỳ năm trước), 04 ca sốt rét (tăng 02 ca), 02 ca viêm não vi rút (cùng kỳ năm trước không xảy ra), 105 ca mắc bệnh quai bị (tăng 37 ca), 174 ca mắc lỵ trực trùng (tăng 21 ca), 176 ca mắc lỵ a míp (giảm 35 ca), 187 ca mắc bệnh thủy đậu (tăng 42 ca), 10.897 ca mắc bệnh cúm (tăng 587 ca), 09 ca mắc bệnh do adeno (cùng kỳ năm trước không xảy ra), 150 ca chân tay miệng (cùng kỳ năm trước có 19 ca), 1.886 ca tiêu chảy (giảm 155 ca), 62 ca viêm gan vi rút khác (tăng 32 ca); không có người chết do các bệnh trên.

       5. Hoạt động văn hoá, thể thao

       5.1. Hoạt động văn hóa

       9 tháng năm 2023, đã triển khai công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, góp phần tuyên truyền các sự kiện chính trị, văn hóa, các ngày lễ kỷ niệm của quê hương, đất nước, đặc biệt là tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 93 Ngày năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng Xuân Quý Mão; Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh năm 2023. Toàn tỉnh thay mới hơn 5.000m2 tranh cổ động tấm lớn, pano, áp phích các loại và hàng trăm lượt khẩu hiệu, băng rôn, cờ Tổ quốc. Trong đó, Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh thực hiện 830 m2 tranh tuyên truyền trực quan tại các cụm cổ động Bến Thủy, Đèo Ngang và thành phố Hà Tĩnh; thực hiện 44 buổi tuyên truyền cải cách hành chính tại cơ sở; tổ chức 05 đợt phim mừng Đảng, mừng Xuân năm 2023; 23 buổi chiếu phim phục vụ học sinh và nhân dân tại Rạp 26-3 chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn.

       Tham gia trình diễn nghệ thuật và trưng bày “Hành trình sắc màu di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng miền” tại Festival “Về miền Quan họ - 2023” tại Bắc Ninh; tổ chức Lễ khai hội chùa Hương Tích, mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2023; tham gia Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam lần thứ Nhất vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 tại tỉnh Phú Thọ; tổ chức tốt tuần phim phục vụ nhân dân; chương trình văn nghệ tuyên truyền lưu động phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2023 tại các địa phương, đặc biệt ưu tiên biểu diễn phục vụ các chiến sỹ, đồng bào vùng sâu, vùng xa.

       Tổ chức chương trình nghệ thuật sử thi phục vụ “Lễ Tưởng niệm 55 năm Ngày hy sinh của 53 Liệt sĩ và Khánh thành Khu Di tích Lịch sử Cầu Nhe”; chương trình biểu diễn tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh năm 2023;Công diễn vở ca kịch Dân ca Nghệ Tĩnh “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh tham gia Hội thi tuyên truyền lưu động “Biển và Hải đảo Việt Nam” tại thành phố Hải Phòng đạt 05 chương (02 HCV, 03 HCB và 1 Giấy khen cá nhân).

       Tổ chức liên hoan dân ca ví, giặm toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 với sự tham gia của hơn 400 nghệ nhân, diễn viên của 13 câu lạc bộ đến từ các địa phương trên toàn tỉnh; được thể hiện dưới nhiều hình thức diễn xướng, tái hiện không gian làng quê, làng nghề, tập quán sinh hoạt các địa phương, vùng miền...

       Nhân Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc; tưởng niệm 55 năm Ngày hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc và kỷ niệm 55 năm Chiến tích làng K130 (13/8/1968 - 13/8/2023), Hà Tĩnh đã tổ chức Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc - nối mạch ngàn năm” diễn ra tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh), đây cũng là dịp góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa cho các tầng lớp nhân dân.

       Chào mừng Quốc khánh 2/9 và 63 năm ngày Âm nhạc Việt Nam, ngày 31/8/2023, Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch phối hợp UBND TP Hà Tĩnh và Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chương trình nghệ thuật “Giai điệu mùa thu”.

       5.2. Công tác quản lý nhà nước

       Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa được thực hiện thường xuyên và theokế hoạch, đặc biệt là trong các dịp lễ, hội. Từ đầu năm đến nay đã thực hiện 05 cuộc kiểm tra (04 cuộc theo kế hoạch, 01 cuộc đột xuất), tiến hành kiểm tra tại 147 cơ sở kinh doanh, lập 110 biên bản kiểm tra, nhắc nhở 05 doanh nghiệp; đình chỉ 02 công ty Lữ hành, 03 điểm du lịch tự phát, 03 cơ sở bơi lặn, 12 cơ sở kinh doanh Billiards & Snooker, 01 cơ sở kinh doanh mô tô nước trên biển, 01 cơ sở kinh doanh Yoga. Ban hành 08 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với 05 tổ chức và 03 cá nhân với tổng số tiền xử phạt là 55.500.000 đồng.

       5.3. Hoạt động thể thao:

       Thể thao thành tích cao:Trong 9 tháng, đoàn thể thao Hà Tĩnh đã tham gia 34 giải quốc gia và quốc tế, giành 178 huy chương các loại (78HCV–53HCB–47HCĐ), trong đó có 9 giải quốc tế đạt 23 huy chương các loại (13 HCV- 4 HCB -6 HCĐ).Đặc biệt, tại Đại hội thể thao Đông Nam Á - Sea Games 32 được tổ chức tại Campuchia, Hà Tĩnh vinh dự góp mặt 6 vận động viên ở các bộ môn Điền kinh, Karate, Bóng đá và giành được 8 Huy chương các loại (05HCV – 01HCB – 02HCĐ).Hà Tĩnh vinh dự có 07 VĐV tham gia ASIAD 19.

       Thể thao quần chúng: 9 tháng năm 2023 hoạt động thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức nhiều giải thể thao, trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão 2023, các hoạt động thể thao nhân khai trương du lịch biển; trung bình mỗi xã tổ chức được 1-2 giải; mỗi huyện tổ chức 2 - 3 giải; hội thao cụm các công ty điện lực phía Nam diễn ra tại Hà Tĩnh; giải Bóng chuyền nam Công an Hà Tĩnh năm 2023; giải Bóng đá nam thị xã Kỳ Anh năm 2023; Giải bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi nữ các khối Kinh tế, văn hóa, kỹ thuật Hà Tĩnh năm 2023; giải bóng chuyền Công đoàn Hà Tĩnh năm 2023; giải Bóng chuyền hơi nam - nữ phối hợp Khối Doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2023…

       Chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, trên sông Rào Cái (Sông Phủ) ở phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh đã diễn ra lễ hội đua thuyền nam, lễ hội đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến xem và cổ vũ.

       6. Tình hình an toàn giao thông


       Tính từ ngày 15/8-14/9/2023 xảy ra 27 vụ tai nạn đường bộ, làm 09 người chết, 29 người bị thương, thiệt hại 180 triệu đồng; giảm 05 vụ, giảm 08 người chết, tăng 06 người bị thương so với tháng trước và tăng 20 vụ, tăng 01 người chết, tăng 29 người bị thương so với cùng kỳ năm trước.

       Như vậy, tính từ ngày 15/12/2022-14/9/2023 đã xảy ra 166 vụ tai nạn đường bộ, làm 112 người chết, 91 người bị thương, thiệt hại 1.930 triệu đồng; tăng 97 vụ, 52 người chết, 63 người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là không làm chủ tốc độ và đi sai phần đường.

       Tính từ ngày 15/12/2022-14/9/2023 xảy ra 02 vụ tai nạn đường sắt, làm 01 người chết, không có người bị thương. Tăng 02 vụ (tăng 01 người chết) so với cùng kỳ năm trước. Không có tai nạn đường thủy và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

       7. Tình hình nổi bật khác về xã hội

       7.1. Tình hình cháy, nổ


       Để phòng cháy nổ, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Công văn số 4866/UBND-NC ngày 12 tháng 9 năm 2023 về việc “Tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy” nhằm ngăn chặn triệt để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cao về cháy, nổ thuộc phạm vi, địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

       Tình hình cháy: từ ngày 15/8-14/9/2023 đã xảy 18 vụ cháy, không làm thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại tài sản 1.835 triệu đồng; tăng 03 vụ cháy so với tháng trước và tăng 14 vụ so với cùng kỳ năm trước. Tính từ 15/12/2022-14/9/2023 xảy ra 77 vụ, không làm thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản 3.572 triệu đồng; tăng 39 vụ, giảm 01 người chết, số người bị thương không đổi so với cùng kỳ năm trước.

       Tình hình vụ nổ: Từ ngày 15/8-14/9/2023 không xảy ra nổ, giảm 01 vụ nổ (giảm 01 người bị thương) so với tháng trước và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 9 tháng từ ngày 15/12/2022-14/9/2023 chỉ xảy ra 01 vụ nổ, tăng 01 vụ (tăng 01 người bị thương) so với cùng kỳ năm trước.

       7.2. Vi phạm môi trường


       Tính từ ngày 15/8-14/9/2023 phát hiện 18 vụ và đã xử lý 14 vụ, với tổng số tiền xử phạt 27,26 triệu đồng; giảm 07 vụ đã phát hiện, số vụ đã xử lý không đổi, tăng 12,86 triệu đồng số tiền xử phạt so với tháng trước và giảm 67 vụ đã phát hiện, giảm 30 vụ đã xử lý, giảm 207,67 triệu đồng số tiền xử phạt so với cùng kỳ năm trước. Vi phạm môi trường đã phát hiện trong tháng chủ yếu là vận chuyển cát trái phép, sử dụng xung kích điện đánh bắt thủy sản trái phép.

       Tính chung 9 tháng năm 2023 (từ 15/12/2022-14/9/2023) đã phát hiện 479 vụ, xử lý 382 vụ, tổng số tiền xử phạt 1.402,61 triệu đồng; giảm 214 vụ đã phát hiện (giảm 30,88%), giảm 82 vụ đã xử lý (giảm 17,67%), số tiền xử phạt giảm 389,31 triệu đồng (giảm 21,73%) so với cùng kỳ năm trước.

       8. Tình hình thiên tai

       Trong tháng (tính từ 19/8-18/9/2023) không xảy ra vụ thiên tai nào, không thay đổi so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, xảy ra 01 vụ thiên tai (sét đánh ở huyện Cẩm Xuyên), làm 01 người chết; giảm 05 vụ, giảm 03 người chết, giảm 512 ha lúa, 153 ha hoa màu bị thiệt hại, giảm 17 ngôi nhà bị hư hỏng, giá trị thiệt giảm 7.968 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

       Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.

Theo cục thống kê Hà Tĩnh

Link: http://thongkehatinh.gov.vn/ChiTietTin.aspx?id=492


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện