Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |   

Tình hình kinh tế xã hội Hà Tĩnh tháng 01 năm 2018

  

14:27 29/01/2018

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

          1.1. Nông nghiệp

          - Trồng trọt: Sản xuất nông nghiệp trong tháng 01/2018, chủ yếu tập trung chăm sóc, thu hoạch cây vụ Đông và gieo trồng cây vụ Xuân năm 2018.

          + Sản xuất vụ Đông năm 2017-2018: Sản xuất vụ Đông năm nay trong điều kiện thời tiết bất lợi do ảnh hưởng của bão số 10 và không khí lạnh kết hợp với mưa vào tháng 11/2017 đã làm chậm tiến độ gieo trồng cây vụ Đông. Kết quả sản xuất các loại cây trồng vụ Đông cụ thể như sau: Diện tích ngô ước đạt 3.870 ha, đạt 97,93% kế hoạch, 167,61% (tăng 1.561 ha) so với cùng kỳ năm trước; diện tích khoai lang ước đạt 1.565 ha, đạt 55,32% kế hoạch, bằng 85,75%  (giảm 260 ha); diện tích rau các loại ước đạt 4.560 ha, đạt 105,29% kế hoạch, bằng 121,7% (tăng 813 ha).

Để kịp thời hỗ trợ bà con nông dân khắc phục thiệt hại thiên tai năm 2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3318/QĐ-UBND ngày 09/11/2017 về việc phân bổ giống, cụ thể: Phân bổ 30 tấn giống ngô (10 tấn MX10, 10 tấn HN68 và 10 tấn HN88) và 250 tấn giống lúa (200 tấn HT1, 50 tấn KDĐB) phục vụ cho người dân sản xuất.

          + Sản xuất vụ Xuân năm 2018: Để thực hiện sản xuất vụ Xuân năm 2018 đảm bảo lịch thời vụ, hiện nay các địa phương đang tích cực tiến hành gieo cấy lúa. Tiến độ sản xuất vụ Xuân tính đến ngày 15/01/2018, toàn tỉnh đã bắc được 667,3 ha mạ (trà Xuân trung 162,1 ha, Xuân muộn 495,2 ha) tương ứng với 11.835 ha diện tích lúa cấy (trà Xuân trung 2.502 ha và trà Xuân muộn 9.333 ha). Diện tích lúa đã xuống cấy được là 615 ha, trong đó diện tích gieo thẳng ước đạt 611 ha (trà Xuân trung 277 ha và trà Xuân muộn 334 ha).

         + Tình hình sâu bệnh: Hiện nay đối với mạ đã bắc châu chấu, rệp xanh, rệp đen phát sinh gây hại ở giai đoạn 2-3 lá, tập trung ở các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, Thạch Hà ...      

Trên cây ngô: Bệnh đốm lá gây hại trên trà ngô giai đoạn 11 lá-ngậm sữa tỷ lệ trung bình 5%, nơi cao 15%, diện tích nhiễm 11 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Hương Sơn, Đức Thọ; bệnh khô vằn tỷ lệ trung bình 5-7%, nơi cao 10-15%, diện tích nhiễm 9,5 ha; sâu đục thân, đục bắp gây hại giai đoạn ngậm sữa-thu hoạch, mật độ 2-3 con/m2, nơi cao 5-7 con/m2, diện tích nhiễm 11 ha.

 Trên cây ăn quả có múi: Bệnh chảy gôm gây hại tỷ lệ trung bình 5-7%, nơi cao 10-15%, diện tích nhiệm 24,5 ha; bệnh loét, sẹo gây hại tỷ lệ trung bình 7-12%, nơi cao 10-20%, diện tích nhiễm 27,5 ha.

 Trên cây rau: Rệp gây hại tỷ lệ trung bình 25-30%, nơi cao 40-50%, diện tích nhiễm 50 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Lộc Hà, Thạch Hà; và nhóm bệnh lở cổ rễ, sâu khoang, sâu xanh chỉ gây hại rãi rác trên một số cây rau.

          - Chăn nuôi: Đàn trâu ước tính có 76.790 con, bằng 89,32% (giảm 9.186 con) so với cùng kỳ năm trước. Một số huyện có đàn trâu giảm như: Huyện Cẩm Xuyên giảm 2.221 con, Kỳ Anh giảm 1.730 con, Hương Khê giảm 1.570 con, Can Lộc giảm 900 con... Đàn bò ước tính có 204.322 con, bằng 87,82% (giảm  28.329 con) so với cùng kỳ năm trước. Huyện có đàn bò giảm mạnh là: huyện Kỳ Anh giảm 14.473 con,  Cẩm Xuyên giảm 5210 con, Thạch Hà giảm 3692 con, Can Lộc giảm 2450 con... Do giá bán trâu, bò trong thời gian qua giảm mạnh, người chăn nuôi bị lỗ nặng; cùng với một số vùng núi có tập quán dùng trâu để kéo gỗ nay rừng bị cấm nên ngươi dân ít nuôi trâu; đồng thời, một số doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà hiện có 4700 con bò, bằng 64,38% giảm 1600 con và Công ty khoảng sản thương mại Hà Tĩnh có 570 con bò, bằng 57% giảm 430 con so với cùng kỳ. Tất cả yếu tố trên đã làm cho chăn nuôi trâu và bò giảm mạnh.

          Đàn lợn ước tính có 436.150 con, bằng 89,58% (giảm 50.708 con) so với cùng kỳ năm trước. Một số huyện giảm mạnh như: Cẩm Xuyên giảm 10.570 con, Can Lộc giảm 10.000 con, Thạch Hà giảm 10.886 con, Hương Khê giảm 9843 con, Hương Sơn giảm 5521 con...   Hiện thị trường tiêu thụ vẫn đang gặp khó khăn, do giá bán vẫn còn thấp nên người chăn nuôi chưa đầu tư tiếp.

Tổng đàn gia cầm ước tính có 8.558 ngàn con, bằng 102,98% (tăng 248 ngàn) con so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đàn gà ước tính có 6.738 ngàn con, bằng 102,23% (tăng 147 ngàn con) so với cùng kỳ năm trước. Một số huyện có đàn gia cầm tăng như: Huyện Hương Khê tăng 91 ngàn con, Nghi Xuân tăng 12 ngàn con ...

          Tình hình dịch bệnh: Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, từ ngày 15/12/2017 đến ngày 15/01/2018 trên địa bàn toàn tỉnh xẩy ra dịch bệnh lở mồm long móng ở đàn bò, chưa qua 21 ngày tại 02 xã (xã Thạch Hải-huyện Thạch Hà và xã Đức Lạc-huyện Đức Thọ), với tổng số gia súc mắc bệnh là 10 con bò thuộc 7 hộ dân.

          1.2. Lâm nghiệp

- Trồng, chăm sóc và nuôi dưỡng: Trong tháng tập trung chủ yếu vào trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và bảo vệ rừng. Tính đến ngày 15/01/2018 toàn tỉnh trồng được 369 ha rừng tập trung, bằng 92,71% (giảm 29 ha) và 220 ngàn cây phân tán, bằng 66,87% (giảm 109 ngàn cây) so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay tỉnh đang triển khai công tác chuẩn bị cho Tết trồng cây Xuân Mậu Tuất.

 - Khai thác gỗ và lâm sản: Dự ước trong tháng 01/2018 khai thác đạt 8.306 m3 gỗ, bằng 193,93% (tăng 4.023 m3) so với cùng kỳ năm trước. Khai thác 48.028 Ste củi bằng 100,77% (tăng 368 Ste) so với cùng kỳ năm trước, do tận thu từ các khu rừng trồng bị thiệt hại sau bão. Một số huyện khai thác gỗ và lâm sản lớn như: Huyện Kỳ Anh đã khai thác được 2.350 m3 gỗ và 23.580 Ste củi; huyện Cẩm  Xuyên khai thác được 1.550 m3 gỗ và 3.700 Ste củi; huyện Vũ Quang khai thác được 955 m3 gỗ và 1.080 Ste củi; huyện Hương Sơn khai thác được 220 m3 gỗ và 4.700 Ste củi ...

Từ đầu tháng 01/2017 đến nay chưa có thiệt hại về rừng xẩy ra.

          1.3. Thủy sản

Diện tích thả nuôi mới trong tháng 01/2018 ước đạt 58 ha, bằng 101,75% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản tháng 01/2018 ước đạt 2.834 tấn, bằng 109,67%, tăng 250 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng nuôi trồng ước đạt 746 tấn, bằng 128,62%, tăng 166 tấn; sản lượng khai thác ước đạt 2.088 tấn, bằng 104,19%, tăng 84 tấn so với cùng kỳ năm trước. Do năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho các tàu thuyền ra khơi đánh bắt, cũng như nuôi trồng thủy sản nên đã làm cho kết quả hoạt động thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng chưa có dịch bệnh xảy ra đối với các sản phẩm thủy sản nuôi trồng.

          2. Sản xuất công nghiệp

          Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2018 ước tính tăng 60,36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 25,19%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 88,58%; sản xuất và phân phối điện tăng 14,02%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,28%. Như vậy, công nghiệp Hà Tĩnh tiếp tục đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tăng ở công nghiệp chế biến, chế tạo.

          Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại (chủ yếu sản xuất thép) tăng 361,32%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 122,52%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,33%; khai khoáng khác (chủ yếu khai thác đá,cát, sỏi, đất sét) tăng 25,71%. Bên cạnh đó, cũng có một số ngành giảm mạnh như: sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chất (chủ yếu sản xuất than cốc) giảm 89,99%; sản xuất phương tiện vận tải khác (chủ yếu đóng tàu và cấu kiện nổi) giảm 34,42%; sản xuất trang phục giảm 33,62%; ngành dệt (chủ yếu sản xuất sợi) giảm 28,29%.

          Trong tháng 01/2018, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Chè (trà) nguyên chất tăng gấp 13,63 lần; thép tăng 361,58%; dược phẩm tăng 122,52%; điện sản xuất tăng 43,84%. Một số sản phẩm giảm mạnh: Than cốc giảm 90%; thức ăn cho gia súc giảm 74,61%; sợi giảm 37,32%; bê tông tươi giảm 33%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 32,57%.

          3. Vốn đầu tư

          Ước tính thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2018 đạt 142,21 tỷ đồng, giảm  37,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 80,04 tỷ đồng, chiếm 56,28% tổng vốn và giảm 34,66%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 41,3 tỷ đồng, chiếm 29,04% tổng vốn và tăng 88,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 20,87 tỷ đồng, chiếm 14,68% tổng vốn và giảm 74,71%. Tháng 1 năm 2018, các dự án vẫn thực hiện các công trình chuyển tiếp từ năm trước để hoàn thành việc giải ngân và thanh quyết toán theo kế hoạch năm 2017 còn các công trình thuộc kế hoạch năm 2018 vẫn chưa có quyết định phân bổ kịp thời. Nguồn vốn thực hiện vẫn chủ yếu từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh và vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu, nguồn ngân sách huyện và ngân sách xã chủ yếu đầu tư cơ sở hạ tầng nhỏ, lẻ thuộc cấp huyện và cấp xã.

Năm 2018, kế hoạch vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý giao 3.369,88 tỷ đồng bằng 121,96% so với năm 2017, trong đó nguồn vốn ngân sách tập trung là 455,13 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương là 634 tỷ đồng, nguồn vốn ODA là 197,84 tỷ đồng. Kế hoạch vốn đầu tư thực hiện cấp tỉnh được giao 2.389,17 tỷ đồng, tăng 25,42% so với năm trước, trong đó vốn cân đối ngân sách tỉnh gấp 2 lần, vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu giảm 1,69%. Năm 2018, một số dự án lớn như Dự án Phát triển thành phố loại II- TP Hà Tĩnh (do ADB tài trợ tại khoản vay 3044-VIE) với tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư là 752,97 tỷ đồng. Kế hoạch vốn ngân sách cấp huyện được giao 554,02 tỷ đồng, tăng 6,56%, kế hoạch vốn ngân sách cấp xã được giao là 426,69 tỷ đồng, tăng 26,12%, nguồn vốn chủ yếu thu từ quỹ sử dụng đất.

          4. Thương mại, dịch vụ và giá cả  

          4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 01/2018 đạt 2.759,57 tỷ đồng, tăng 2,08% so với tháng trước và tăng 5,13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 241,36 tỷ đồng, giảm 5,22%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 2.518,21 tỷ đồng, tăng 6,24% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hoạt động bán lẻ hàng hóa tiếp tục có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ tăng nhẹ và chủ yếu tăng ở khu vực ngoài nhà nước, trong đó tăng mạnh nhất là kinh tế tư nhân (tăng 11,64%).

Phân theo nhóm hàng, ta nhận thấy cũng có sự khác nhau về tổng mức bán lẻ giữa các nhóm hàng hóa.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa phân theo nhóm hàng

Tháng 01/2017 và tháng 01/2018

 

Tháng 01/2017(Tỷ đồng)

Tháng 01/2018(Tỷ đồng)

Tỷ lệ so sánh    (%)

Tổng số

2.624,90

2.759,57

105,13

 - Lương thực, thực phẩm

1.018,79

1.019,48

100,07

 - Hàng may mặc

183,56

204,20

111,24

 - Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình

400,54

400,58

100,01

 - Vật phẩm, văn hóa, giáo dục

27,41

31,92

116,45

 - Gỗ và vật liệu xây dựng

144,13

158,31

109,84

 - Ô tô các loại

60,50

92,45

152,80

 - Phương tiện đi lại (kể cả phụ tùng)

180,40

194,17

107,64

 - Xăng, dầu các loại

245,15

253,11

103,25

 - Nhiên liệu khác (trừ xăng dầu)

47,52

57,55

121,11

 - Đá quý, kim loại quý và sản phẩm

35,04

49,58

141,49

 - Hàng hóa khác

232,41

245,78

105,75

- Sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác

49,44

52,44

106,06

Theo bảng trên cho thấy, toàn bộ các nhóm hàng đều có tổng mức tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm hàng ô tô; đá quý, kim loại quý và sản phẩm. Với chính sách giảm thuế xe ô tô vào các nước Asean trong năm 2018 cho nên đầu năm mới số lượng phương tiện ô tô bán ra tăng hơn; cùng với ảnh hưởng tình hình chung giá vàng những ngày đầu tháng 01/2018 đang ở mức cao với giá 3,7 triệu đồng/chỉ đã làm cho doanh thu của hai nhóm hàng này tăng mạnh.

Để bảo đảm nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, các siêu thị lớn, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đã có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn hàng cũng như đưa ra nhiều chương trình kích cầu, bình ổn giá… Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại; đảm bảo nhu cầu hàng hóa, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, các dịch vụ công thông suốt để phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân và doanh nghiệp.

 - Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Doanh thu hoạt động dịch vụ l­ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 01/2018 ước đạt 368,98 tỷ đồng, tăng 2,97% so với tháng trước và tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu dịch vụ l­ưu trú ước đạt 27,07 tỷ đồng, tăng 12,28%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 340,52 tỷ đồng, tăng 1,85%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 1,39 tỷ đồng, tăng  12,26% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 01/2018 tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ tăng nhẹ và tăng cả ở ba nhóm ngành hoạt động.

          - Hoạt động dịch vụ khác: Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng 01/2018 ước đạt 124,19 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 0,94% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 6,66 tỷ đồng, tăng 28,1%; ngoài nhà nước ước đạt 116,98 tỷ đồng, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 0,56 tỷ đồng, giảm 46,82% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu dịch vụ khác tháng 01/2018 giảm, nhưng chỉ giảm nhẹ. Trong các thành phần kinh tế, chỉ có khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh, do khu vực này chủ yếu kinh doanh dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ cho thuê máy móc, mà các công trình xây dựng dự án trong tháng này giảm mạnh so với năm trước, nên làm cho doanh thu giảm.

          4.2. Hoạt động vận tải

Vận tải hành khách: Số lượng hành khách vận chuyển tháng 01/2018 ước đạt 1,86 triệu lượt hành khách với khối lượng luân chuyển là 328,28 triệu lượt hành khách.km. So với tháng trước tăng 3,25% về lượt hành khách vận chuyển và tăng 3,61% về lượt hành khách.km luân chuyển. Doanh thu vận tải hành khách tháng 01/2018 ước đạt 142,58 tỷ đồng, tăng 2,49% so với tháng trước.

          Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 01/2018 ước đạt 2,82 triệu tấn với khối lượng luân chuyển là 76,08 triệu tấn.km hàng hóa. So với tháng trước tăng 1,81% về khối lượng vận chuyển và tăng 6,13% về khối lượng luân chuyển. Doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa tháng 01/2018 ước đạt 240,89 tỷ đồng, tăng 1,81% so với tháng trước.

Nhìn chung, hoạt động vận tải tháng 01/2018 vẫn tăng so với tháng trước, nhưng chỉ tăng nhẹ. Do thời điểm đầu tháng trùng dịp nghỉ Tết dương lịch (3 ngày), nên số lượt khách đi lại tham quan du lịch (hay về quê) tăng; đặc biệt, trong tháng số lượt khách thập phương về Chùa trả lễ tăng (tại chùa Hương tích, huyện Can Lộc). Bên cạnh đó, các đầu mối bán buôn hiện đang đẩy mạnh việc thu mua, tích trữ hàng hóa chuẩn bị cung ứng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán như: hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình, nguyên phụ liệu sản xuất chế biến công nghiệp; đồng thời, nhu cầu xây dựng, sửa sang nhà cửa trong nhân dân cũng tăng nên làm tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Đây chính là những yếu tố làm cho hoạt động vận tải tăng so với tháng trước.  

          4.3. Chỉ số giá tiêu dùng

CPI tháng 01 năm 2018, tăng 0,61% so tháng trước, tăng 2,52% so cùng tháng năm trước. So tháng trước khu vực thành thị tăng 0,56%; nông thôn tăng 0,64%.

Nguyên nhân chính tác động làm tăng CPI tháng 01 năm 2018 là:

(1) Giá xăng, dầu bình quân trong tháng 01 tiếp tục được điều chỉnh tăng đồng loạt ở tất cả các mặt hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá nhóm giao thông và chi phí sản xuất kinh doanh của các loại mặt hàng khác. Giá xăng A95 bình quân trong tháng 20.699 đ/lít, E5 giá 18.770 đ/lít, Dầu diezel giá 15.972 đ/lít.

(2) Yếu tố thời tiết khiến giá cả các mặt hàng đồ dùng gia đình như chăn ga gối đệm, bình nước nóng, hàng may mặc có xư hướng tăng giá.

(3) Giá gạo và một số mặt hàng thực phẩm tăng. Mặc dù giá rau giảm mạnh do yếu tố mùa vụ nhưng không làm thay đổi xu hướng tăng giá chung của nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

          - Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chỉ có 03 nhóm hàng hóa có chỉ số giá ổn định so với tháng trước đó là: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.

- Có 01/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước đó là:

Đồ uống và thuốc lá giảm 0,13% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,93%. Nguyên nhân trong nhóm này có mặt hàng nước giải khát hoa quả đóng lon giảm giá, do nhu cầu sử dụng mặt hàng này trong mùa lạnh giảm mạnh.

- Còn lại có 06/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ đều có chỉ số giá tăng so với tháng trước, cụ thể:

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13% so tháng trước. Trong đó:       Các mặt hàng lương thực tăng1,59% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,46%. Trong nhóm này giá gạo tăng 2,16%; ngô tăng 1,69% và khoai giảm 5,29%. Giá gạo các loại, bao gồm cả gạo nếp tiếp tục tăng thêm bình quân 500 đ/kg so tháng trước

Thực phẩm giảm 0,14% so tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm 3,86%.

Trong nhóm này có các loại mặt hàng tăng gồm thịt lợn tăng 3,44%; trứng tăng 1,24%; dầu mỡ tăng 0,05%; thủy sản tươi sống tăng 0,62%; thủy sản chế biến tăng 0,37%; nước mắm tăng 1,33%; các loại đậu và hạt tăng 0,31%.

Giá thịt bò tiếp tục giảm do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh. Giá thịt bình quân bán lẻ trên địa bàn tỉnh hiện tại: thịt lợn mông sấn ở mức 75.000 – 80.000 đ/kg, thịt ba chỉ mức 70.000 – 75.000 đ/kg, thịt nạc thăn 80.000 – 85.000 đ/kg; thịt bò thăn 205.000 – 210.000 đ/kg; thịt bò mông 195.000 – 200.000 đ/kg.

Giá các loại rau củ quả giảm mạnh 6,82% so tháng trước. Một loạt các loại rau đang trong kỳ thu hoạch, cung ứng sản lượng lớn ra thị trường gồm bắp cải, cà chua, su hào, khoai tây, đậu cô-ve, dưa chuột, rau cải các loại, hành lá, tỏi tác động khiến mức giá giảm.

Hoa quả các loại giảm 0,43% so tháng trước. Giá các loại quả có múi giảm do sản phẩm cam bù địa phương, cam sành vào vụ thu hoạch.

+ Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,21% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 5,01%

Những tháng cuối năm, nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng nhà ở trong dân cư tăng. Ngoài ra do ảnh hưởng từ giá xăng dầu tăng tác động đến chi phí vận chuyển. Những yếu tố đó làm giá các loại vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng. Giá công thợ sửa chữa nhà ở, thợ lắp đặt điện nước qua đó cũng tăng thêm so tháng trước.

May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,87% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 3,94%.Thời điểm trong tháng trời chuyển rét đậm. Bên cạnh đó, do tháng cận Tết dẫn đến nhu cầu mua sắm quần áo ấm, áo khoác mới các loại tăng. Các loại bộ quần áo thể thao, áo len, găng tay giữ ấm, bít tất cũng có xu hướng tăng giá.

Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,86% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 2,03%. Giá một số đồ dùng gia đình như bình nước nóng, tủ, bàn ghế xa lông nội thất, đệm các loại được điều chỉnh tăng, chủ yếu do tính chất mùa vụ thời tiết. Trong khi đó, giá các thiết bị máy vi tính vẫn ở mức cao do ảnh hưởng bởi giá cả thị trường thế giới, các linh kiện chưa có dấu hiệu hạ giá. Giá RAM máy tính nhìn chung đã tăng gấp đôi trong vòng 1 năm qua.

+ Nhóm Giao thông tăng 1,67% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 2,84%

Trong tháng qua, giá các loại xe máy và ô tô được cái đại lý bán lẻ điều chỉnh tăng. Xu hướng tiêu dùng trong dân cư đối với các loại mặt hàng này thường tăng mạnh vào thời điểm tháng cận Tết Nguyên đán. Giá xe máy các loại tăng từ 500.000 – 1.500.000 đ/chiếc, ô tô tăng 7 triệu đồng/chiếc.

Mặc dù giá xăng sinh học E5 tăng nhẹ, nhưng các mặt hàng khác như xăng A95, dầu diesel lại được điều chỉnh tăng mạnh khiến nhóm nhiên liệu tăng 2,81% so tháng trước.

Giá vé vận tải hành khách đường sắt tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 6,54% so tháng trước. Tuy nhiên so cùng kỳ chỉ tăng 0,04%. Nguyên nhân do sự tăng giá của Tổng công ty đường sắt Việt Nam mang tính chất mùa vụ cao, do thời điểm cận Tết lượt người đặt mua vé đi lại thường tăng đột biến. Trong khi đó, giá cước các loại hình vận tải hành khách đường bộ dự kiến có khả năng tăng giá trong thời gian tới.

+ Nhóm văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,15% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,96%.

Nhóm này tương đối ổn định, ngoại trừ mặt hàng tivi các loại tăng 0,95% do nhu cầu mua sắm của người dân tăng.

+ Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,27% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 4,27%.

Do ảnh hưởng của giá vàng tăng, giá các mặt hàng trang sức như nhẫn, dây chuyển tăng giá theo với mức tăng 0,93%. Cùng với đó, thời điểm này lượt khách sử dụng các dịch vụ chăm sóc tóc ở mức cao, giá nhóm dịch vụ này tăng 9,66% so tháng trước. Bên cạnh, hiện tại đang thời điểm mùa cưới, giá các dịch vụ về hỉ tăng 4,18%.

Chỉ số giá vàng tăng 2,35% so tháng trước, tăng 8,15% so cùng tháng năm trước.Thị trường giá vàng những ngày đầu tháng luôn biến động tăng, mức giá hiện tại thời điểm ngày 22/01/2018 từ 3,7-3,710 triệu đồng/chỉ. Bình quân giá vàng trong tháng là 3.655.178 đồng/chỉ.

Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,28% so tháng trước, giảm 1,19% so cùng tháng năm trước. Giá USD bình quân thị trường Hà Tĩnh mức giá bán ra 2.270.725 đồng/100USD. Giá USD tự do ngày 22/1/2018 ở mức giá 2.272.000 đ/100USD.

Chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 02/2018 dự kiến tiếp tục tăng so tháng 01/2018. Nguyên nhân chủ yếu do trùng Tết Nguyên đán Mậu Tuất thời điểm trước, trong và sau Tết (từ ngày 14/02 – 19/02/2018).

          Để có thể kiểm soát và bình ổn chỉ số giá trong thời gian tới. Cần tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, quản lý thị trường, bình ổn giá, chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại. Đảm bảo nhu cầu hàng hóa, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, các dịch vụ công thông suốt để phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân và doanh nghiệp. Ngoài ra phải xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh có biểu hiện đầu cơ, găm hàng gây tăng giá ảo. Xây dựng nhiều hơn các điểm bán hàng bình ổn giá với nòng cốt là sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, các chợ, các siêu thị mini trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ thị trường dịp Tết Nguyên đán, với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh là cơ hội trà trộn hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vào thị trường.

          5. Một số vấn đề xã hội

          5.1. Tình hình thiếu đói

          Trong tháng, thời tiết thuận lợi tạo điều kiện tốt cho người nông dân trong việc sản xuất các loại cây trồng vụ Đông và làm thêm các công việc khác để tăng thu nhập. Mặt khác, dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc gia cầm được kiểm soát,  công tác an sinh xã hội được đảm bảo nên đời sống của người dân vẫn ổn định. Vì vậy, trong tháng trên địa bàn toàn tỉnh không xẩy ra thiếu đói. Dự kiến trong tháng tới thiếu đói trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra.

          5.2. Hoạt động y tế

  - Tình hình dịch bệnh: Trong tháng, ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục tập trung công tác phòng chống dịch như: sốt xuất huyết, lỵ trực trùng, lỵ a mip, chân tay miệng, cúm, tiêu chảy cấp và bệnh do adeno, tổ chức kiểm tra và giám sát VSAT thực phẩm. Mặt khác, trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các phòng Y tế, trung tâm Y tế dự phòng huyện, thị xã, thành phố chủ động phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong đợt rét; tăng cường công tác giám sát dịch, phát hiện sớm và kịp thời dập tắt nên trong tháng không có dịch lớn xảy ra.

  - Công tác phòng chống HIV/AIDS: Nhằm hạn chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh về công tác truyền thông thay đổi hành vi; giám sát, tiếp cận bệnh nhân để vận động họ tham gia điều trị ARV và chương trình điều trị Methadone; đồng thời tích cực tham mưu cho UBND các cấp thực hiện kế hoạch bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới. Trong tháng, Hà Tĩnh chỉ có 03 người nhiễm HIV (giảm 03 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017), 05 người chuyển thành AIDS và không có trường hợp nào chết vì AIDS.

  - Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Hiện nay, an toàn thực phẩm là vấn đề diễn ra phức tạp ở tất cả các khâu của chuỗi thực phẩm, dịch vụ ăn uống và tất cả các địa phương. Do vậy, ngành y tế Hà Tĩnh đã khẩn trương tập trung vào công tác quản lý, chỉ đạo; thông tin tuyên truyền giáo dục; thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm; giám sát phát hiện sớm ca ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng; điều tra, xử lý khắc phục vụ ngộ độc thực phẩm; bảo đảm vật tư, hóa chất, phương tiện phòng chống vụ ngộ độc thực phẩm. Nhờ vậy, trong tháng ở Hà Tĩnh chỉ có 93 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, giảm 38,82% so với cùng kỳ năm 2017. Không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm.

          5.3. Hoạt động văn hoá, thể thao

  Hoạt động văn hóa: Tại thành phố Hà Tĩnh diễn ra chương trình nghệ thuật “Chào năm mới 2018”, thu hút đông đảo khán giả trên địa bàn đến xem. Chương trình gồm 12 tiết mục nghệ thuật ca múa nhạc, dân ca ví - giặm đặc sắc, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, vẻ đẹp quê hương, đất nước và sự phát triển vượt bậc của thành phố trẻ.

- Thể thao quần chúng: Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, phong trào thể dục thể thao quần chúng đã phát triển khá toàn diện. Nhiều tổ chức hoạt động thể thao giao lưu giữa các khối cơ quan như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông nhân kỷ niệm các ngày lễ trong tháng, diễn ra một cách sôi nổi và được nhiều người cùng hưởng ứng, như: Giải bóng đá chào mừng năm mới 2018 do Hiệp hội Mobile Hà Tĩnh tổ chức.

5.4. Tình hình an toàn giao thông

  Đảm bảo trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Do đó, ngay từ tháng đầu tiên của năm 2018, Công an Hà Tĩnh đã triển khai các biện pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, trọng tâm là các hành vi như: chạy quá tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt sai quy định; chở quá tải, quá số người quy định; vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới; đón, trả khách không đúng nơi quy định; vi phạm về đội mũ bảo hiểm; không chấp hành tín hiệu điều khiển giao thông; không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không hợp lệ; xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm...

Tính từ ngày 16/12/2017 đến ngày 15/01/2018, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 11 người, bị thương 03 người, thiệt hại tài sản 65 triệu đồng (so với tháng trước giảm 08 vụ, giảm 03 người chết và giảm 02 người bị thương). So với cùng kỳ năm trước giảm 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, tăng 07 người chết và tăng 03 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là không làm chủ tốc độ, đi sai phần đường và lạng lách đánh võng.

          5.5. Môi trường

          - Tình hình cháy nổTrong tháng khu vực dân sự xảy ra 16 vụ cháy, ước tính thiệt hại về tài sản là 752,5 triệu đồng. Trong đó có 03 vụ cháy nhà dân, 08 vụ cháy đường dây điện và 05 vụ cháy khác.

  - Về vi phạm môi trường: Với mục tiêu cùng chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra về công tác bảo vệ môi trường và trong tháng không có đơn vị nào vi phạm.



Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện