Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH NGÃ BA ĐỒNG LỘC TRONG KHAI THÁC PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH

  

03:39 10/07/2018

        Ngã ba Đồng Lộc nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, là giao điểm của quốc lộ 15A  tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Từ năm 1964 đến 1972, khi tuyến đường Quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị địch đánh phá và chia cắt hoàn toàn, quân và dân ta chuyển hướng giao thông từ Bắc vào Nam theo Quốc lộ 15A đi qua Ngã ba Đồng Lộc, mọi sự chi viện cho chiến trường miền Nam phải đi qua tuyến đường này. Ngã ba Đồng Lộc trở thành yết hầu của tuyến giao thông vận tải Bắc - Nam. Vì vậy, địch tập trung đánh phá hòng cắt đứt mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

        Với diện tích 0,6 km2, chỉ tính riêng từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ đã trút xuống đây gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể bom bi, rocket và đạn 20 mm. Các lực lượng chiến đấu và đảm bảo thông đường tại Ngã ba Đồng Lộc trong những năm tháng ác liệt đó có lúc lên đến 16.000 người. Để giữ cho mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, các lực lượng tham gia chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc thường xuyên bám trụ suốt ngày đêm, sống và làm việc dưới làn mưa bom, bão đạn, luôn phải đối mặt với cái chết. Biết bao xương máu của các chiến sỹ, nhân dân đã đổ xuống để làm nên Đồng Lộc bất tử hôm nay.

        Với ý nghĩa đó, Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1989; được Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn Thanh niên Công sản Hồ Chí Minh, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm các liệt sỹ Thanh niên xung phong toàn quốc. Đến ngày 09/12/2013, Ngã ba Đồng Lộc được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt trong hệ thống các di tích trên tuyến đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh).

        Theo quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030 đã xác định di tích Ngã ba Đồng Lộc là 1 trong 36 điểm du lịch Quốc gia; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cũng xác định di tích Ngã Ba Đồng Lộc là 1 trọng điểm du lịch trong vùng du lịch trung tâm của tỉnh.

        Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của khu di tích, những năm qua, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh đã phát huy tối đa nội lực, tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, các tổ chức, nhà hảo tâm để tôn tạo, xây dựng khu di tích ngày càng khang trang, tôn nghiêm. Với diện tích quy hoạch 107,15 ha, một số hạng mục công trình đã được đầu tư tôn tạo từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước như: Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong toàn quốc, khu mộ 10 Nữ liệt sỹ Thanh niên xung phong, nhà truyền thống Thanh niên xung phong, tượng đài chiến thắng, tái tạo chiến trường bom, hệ thống đường giao thông nội bộ, khu hành chính và đón tiếp khách. Ngoài ra, bằng nguồn vốn xã hội hóa, một số công trình đã được xây dựng như: tháp chuông, cột cờ trên đỉnh núi Mòi, cụm tượng 10 Nữ liệt sỹ Thanh niên xung phong, sa bàn điện tử, hồ phun nước nghệ thuật… và một số hạng mục công trình nhỏ khác.

          Trong những năm qua, du khách về với Ngã ba Đồng Lộc luôn tăng. Năm 2013 đạt 220.000 lượt, năm 2017 là 360.000 lượt. Riêng dịp 30/4/2018, du khách đến Ngã ba Đồng Lộc đạt trên 20.000 lượt.

         Mặc dầu lượng khách về với Đồng Lộc ngày càng tăng, nhưng nguồn thu ở đây còn hết sức khiêm tốn. Ngoài phí tham quan, ở đây chưa có các dịch vụ phụ trợ để phục vụ và thu hút du khách lưu trú lại.

          Để phát huy có hiệu quả tiềm năng du lịch nơi đây nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước, trong thời gian tới, theo tôi, cần quan tâm thực hiện các nội dung trọng tâm sau:

        Thứ nhất, tập trung hoàn thiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, lập quy hoạch Ngã ba Đồng Lộc trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh và trở thành khu du lịch cấp quốc gia, với mức độ tăng lượt khách du lịch bình quân hàng năm từ 10 -15%.

        Thứ hai, chú trọng công tác kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch để khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trở thành khu du lịch sinh thái tâm linh (đường giao thông nội bộ, hồ sinh thái trên cơ sở hồ tự nhiên sẵn có để tạo cảnh quan, cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, nhà hàng và nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm của địa phương đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đầu tư các dịch vụ phục vụ du khách trải nghiệm những hoạt động của thời kỳ chiến tranh). Trước mắt, cần huy động nguồn vốn xã hội hóa, vận động đóng góp của các đơn vị, tổ chức, các nhà hảo tâm để hoàn thành công trình Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc trước tháng 7/2018.

        Thứ ba, tăng cường công tác sưu tầm hiện vật trưng bày làm phong phú thêm nhà truyền thống Thanh niên xung phong; tu bổ, tôn tạo các hiện vật đã có, làm lại hệ thống sa bàn điện tử; trùng tu tôn tạo di tích để từng bước nâng cấp Nhà truyền thống Thanh niên xung phong thành Bảo tàng Thanh niên xung phong Việt Nam.

Thứ tư, tổ chức tốt công tác đón tiếp khách; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hướng dẫn viên tại điểm; xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ ngày càng chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.

        Thứ năm, cập nhật các thông tin liên quan đến giá trị của di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp lữ hành ngoài tỉnh, ngoài nước để kết nối tour về với địa chỉ Ngã ba Đồng Lộc và kết nối với các điểm đến trên tuyến đường Hồ Chí Minh; nâng cấp và khai thác có hiệu quả trang website ngabadongloc.org.vn.

        Thứ sáu, di tích Ngã ba Đồng Lộc là địa chỉ đỏ về nguồn và giáo dục đạo đức truyền thống, cách mạng cho các thế hệ, vì vậy, hàng năm, cần phối hợp với ngành giáo dục, tổ chức Đoàn Thanh niên và tổ chức Hội Cựu chiến binh các cấp trên cả nước để thực hiện chương trình về nguồn, góp phần giáo dục truyền thống cho đoàn viên, hội viên và học sinh, sinh viên.

        Thứ bảy, cần làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bảo vệ tốt diện tích rừng và cảnh quan thiên nhiên trong khu di tích, tăng cường trồng cây xanh, cây cảnh tạo môi trường xanh - sạch - đẹp.

Thứ tám, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể bỏ phí tham quan và thay vào đó việc thu phí này được lồng ghép thu từ dịch vụ như xe điện chở khách đi trong khu vực nội vùng và một số dịch vụ khác để tạo tâm lý thoải mái khi du khách về với Ngã Ba Đồng Lộc.

        Ngoài ra, trước mắt cần phối hợp tổ chức thành công chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sỹ Thanh niên xung phong vào tháng 7/2018 cùng với các hoạt động khác nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, các lực lượng làm nhiệm vụ và 10 Nữ liệt sỹ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; khơi dậy lòng tự hào, phát huy truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đồng thời để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và du khách.


                                             Lê Trần Sáng*

*  Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh




 


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện