Thông tin vi phạm pháp luật đất đai và công khai thông tin các dự án   |    Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |   

Nữ gen Z Hà Tĩnh đam mê bảo tồn và phát triển tranh dân gian Hàng Trống

  

09:55 03/04/2025

Tuy thuộc thế hệ gen Z nhưng Trịnh Lê Ngọc Hân (TDP 3, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) luôn cháy bỏng niềm đam mê với mỹ thuật truyền thống và mong muốn bảo tồn các giá trị nghệ thuật của dòng tranh dân gian Hàng Trống.

Trịnh Lê Ngọc Hân bên tác phẩm đạt giải ba tại cuộc thi Cartomancy Exhibition Challenge.

Khi được hỏi về niềm đam mê mỹ thuật, cô gái nhỏ nhắn Trịnh Lê Ngọc Hân (SN 1998, hiện là chuyên viên thiết kế đồ họa làm việc tại Hà Nội) cho hay, không nhớ từ bao giờ đã bị những gam màu rực rỡ và họa tiết tinh tế mê hoặc. Từ nhỏ, cô đã bộc lộ năng khiếu mỹ thuật và có đam mê tìm hiểu nghệ thuật dân gian.

Cũng xuất phát từ niềm đam mê đó, cựu học sinh lớp chuyên Anh K19 (Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) đã lựa chọn theo học chuyên ngành thiết kế đồ họa (Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội). Qua quá trình học tập bài bản, tình yêu dành cho hội họa của Ngọc Hân ngày một phát triển cùng với những định hướng rõ ràng. Cô nàng nhận thấy rằng mỹ thuật ứng dụng là công cụ hiệu quả để truyền đạt câu chuyện và ý tưởng qua hình ảnh và màu sắc.

Trịnh Lê Ngọc Hân cùng nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống Lê Đình Nghiên.

Càng tìm hiểu và nghiên cứu sâu, Ngọc Hân càng nhận thức rõ những giá trị độc đáo của nghệ thuật Việt Nam. Năm 2022, trong một lần tìm kiếm chất liệu có tài nguyên nghiên cứu phong phú nhưng chưa có nhiều ứng dụng trong thiết kế, Ngọc Hân đã được gặp gỡ và dần có những trải nghiệm sâu sắc với dòng tranh dân gian Hàng Trống. Cô bị cuốn hút bởi những gam màu rực rỡ, kỹ thuật “vờn màu” cũng như tạo hình và nét tâm linh trong nhánh tranh thờ của tranh Hàng Trống.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Ngọc Hân đã dành thời gian nghiên cứu, đi điền dã, ghi lại các chi tiết kiến trúc như điêu khắc tại đình làng, cột và gặp gỡ trực tiếp các nghệ nhân lâu năm để học hỏi kinh nghiệm quý báu từ họ. Trong công việc thiết kế và minh họa, nữ gen Z đã áp dụng những hoa văn truyền thống, màu sắc và ý tưởng từ tranh Hàng Trống nói riêng và các yếu tố mỹ thuật dân gian nói chung để tạo nên những thiết kế có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Bên cạnh những bản vẽ, Ngọc Hân còn cho ra đời bộ bài Tarot Hàng Trống được giới sưu tập cá nhân đón nhận và đánh giá cao. Tác phẩm này từng được Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa (Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội) nhận xét là một bức tranh dân gian cho một đề tài tương đối hiện đại, Á - Âu kết hợp.

Ngọc Hân bên cạnh những dự án với dòng tranh dân gian Hàng Trống.

Ngọc Hân chia sẻ: “Thông qua những sản phẩm từ dòng tranh Hàng Trống, em đã có cơ hội hợp tác với các tổ chức văn hóa, tham gia triển lãm và các dự án bảo tồn, quảng bá nghệ thuật truyền thống. Những trải nghiệm đó đã giúp em mở rộng tầm nhìn, học hỏi và truyền cảm hứng cho cộng đồng yêu thiết kế nói riêng và nghệ thuật nói chung”.

Quá trình tiếp thu, nỗ lực học hỏi không ngừng nghỉ đã đem đến cho Ngọc Hân một cái nhìn tổng quát hơn về mối tương quan giữa mỹ thuật truyền thống và thiết kế, đồ họa hiện đại. Những hoa văn, màu sắc và bố cục đặc trưng từ dòng tranh Hàng Trống nói riêng và các loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam nói chung là tiền đề tạo nên dấu ấn đặc trưng riêng trong các sản phẩm đồ họa. Ngọc Hân cũng đã và đang sưu tầm, hệ thống lại các tài nguyên mỹ thuật dân gian để ứng dụng linh hoạt vào các sản phẩm thiết kế của mình.

Ngọc Hân tham gia thiết kế sách "Mộc bản Thanh Liễu".

Bên cạnh đó, theo Ngọc Hân, việc số hóa tài nguyên dân gian đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn cũng như phát triển, tiếp biến giá trị văn hóa một cách hợp lý. Hiện nay, đã có nhiều dự án ứng dụng công nghệ số để phục dựng các mẫu tranh cổ, phục dựng vốn cổ dưới dạng 3D, cũng như trích xuất và số hóa các tài nguyên dân gian có tính ứng dụng như mã màu, hoa văn và sáng tạo font chữ…

“Được tham gia vào các dự án này giúp em tin rằng, với sự đồng hành của công nghệ hiện đại và niềm đam mê của những người làm nghệ thuật, di sản văn hóa sẽ được bảo tồn và phát triển bền vững. Em hy vọng rằng những nỗ lực này sẽ mở ra cánh cửa giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, góp phần tạo nên một nền văn hóa đa dạng và phong phú.

Bên cạnh yếu tố công nghệ, em nhận thấy giới trẻ ngày càng quan tâm đến văn hóa truyền thống nhiều hơn. Do đó, nên có thêm nhiều hoạt động sáng tạo để giúp giới trẻ tiếp cận với văn hóa dân gian một cách gần gũi và hợp lý hơn. Việc kết hợp giữa giá trị cốt lõi của nghệ thuật dân gian với hình thức thể hiện mới mẻ là cách hiệu quả để bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc” - Ngọc Hân chia sẻ.


Từ niềm đam mê nghệ thuật, Ngọc Hân đã có cơ hội hợp tác với các tổ chức văn hóa, tham gia triển lãm và các dự án bảo tồn, quảng bá nghệ thuật truyền thống. (Trong ảnh: Ngọc Hân tham gia Hội thảo khoa học "Chuông đồng thời Nguyễn - Từ Triết Mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình")

Hiện tại, Ngọc Hân còn theo học thạc sĩ ngành lý luận và lịch sử mỹ thuật ứng dụng tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Cô nàng cũng sẽ tiếp tục khai thác chủ đề tranh Hàng Trống nhằm góp phần giữ gìn giá trị truyền thống và mở ra những hướng đi mới trong nghệ thuật.

Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng và lâu đời thuộc hàng bậc nhất Việt Nam.

Tranh Hàng Trống là dòng tranh dân gian nhưng lại mang tính bác học, là niềm tự hào một thời của người dân đất kinh kỳ Thăng Long. Đây là 1 trong 3 dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam bên cạnh tranh điệp Đông Hồ và tranh đỏ Kim Hoàng. Tranh Hàng Trống có thể chia làm các dòng tranh như: tranh thờ, tranh sinh hoạt - thiên nhiên, tranh truyện và tranh vui. Khá nhiều tranh Hàng Trống đã đạt mức kiệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam. Từ nội dung, hình thức đến chất liệu, tranh Hàng Trống mang màu sắc đặc trưng riêng của Hà Nội, nhưng cũng rất Việt Nam.

Theo BHT

Link: https://baohatinh.vn/nu-gen-z-ha-tinh-dam-me-bao-ton-va-phat-trien-tranh-dan-gian-hang-trong-post285188.html


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện