Lấy ý kiến dự thảo quyết định của UBND tỉnh về ủy quyền giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng theo quy định tại QĐ số 62/2011/QĐ-TTg   |    Hà Tĩnh phát động Cuộc thi an toàn thông tin trên không gian mạng năm 2024   |    Hà Tĩnh bổ sung 89 giáo viên mầm non và phổ thông công lập   |    Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Tĩnh đón chào năm mới Giáp Thìn 2024   |    Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT   |   

Đảm bảo thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính với xử lý kỷ luật của Đảng

  

01:26 25/10/2022

Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng thống nhất cao đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng.


Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng điều hành phiên thảo luận tại tổ số 5

Chiều 24/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận tại tổ số 5 gồm ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Đắk Nông, Bình Thuận, Hà Tĩnh.

Sửa đổi Nội quy kỳ họp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội

Dự thảo Nội quy (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội; dành 1 điều quy định dẫn chiếu các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung của kỳ họp Quốc hội tại các luật, nghị quyết, bao gồm việc: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên: Xem xét quy định rõ những nội dung đưa vào nghị quyết chung kỳ họp việc nên hay không quy định các nội dung có tính quy phạm pháp luật vào nghị quyết chung. Cần chuẩn hoá, ứng dụng mạnh hơn nữa công nghệ thông tin trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến mục đích, quan điểm xây dựng, phạm vi sửa đổi; sự phù hợp của dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định trong dự thảo nghị quyết; quy định về kỳ họp Quốc hội: kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường; trách nhiệm tham gia kỳ họp của đại biểu Quốc hội.


Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia: Đề nghị tăng cường truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi hoạt động Quốc hội, đồng thời trong việc mời phát biểu cần có sự điều hành hài hoà giữa các đoàn ĐBQH và ưu tiên các đại biểu có chuyên môn sâu liên quan lĩnh vực thảo luận.

Các đại biểu tham gia góp ý về quy định chương trình kỳ họp Quốc hội; tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội; vai trò của chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp; quy định về thảo luận, tranh luận, chất vấn tại phiên họp toàn thể; việc biểu quyết tại phiên họp toàn thể và việc xác định kết quả biểu quyết; phiên họp do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; thủ tục thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội; trình tự Quốc hội ban hành Nghị quyết kỳ họp...


Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ĐBQH tỉnh Sơn La - Quàng Văn Hương: Đối với các tài liệu mật có những yếu tố không mật thì cần phân tách để đại biểu tham gia thảo luận tại các phiên công khai để không vi phạm quy tắc bí mật Nhà nước.

Bổ sung nhiều quy định hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Phát biểu thảo luận, các đại biểu thống nhất cao sự cần thiết việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) nhằm phù hợp với các nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới; đáp ứng các khuyến nghị của APG; phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế của các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác PCRT trong thời gian tới.


ĐBQH tỉnh Bình Thuận Đặng Hồng Sỹ: Việc xem xét, quyết định áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật thực chất là sửa đổi, bổ sung nội dung của luật; do đó, cần thể hiện trong nghị quyết riêng nhằm thuận tiện cho việc dẫn chiếu, áp dụng.

Các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung như: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; đối tượng báo cáo; nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; báo cáo giao dịch đáng ngờ, các dấu hiệu đáng ngờ; áp dụng các biện pháp tạm thời; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong phòng, chống rửa tiền; sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến PCRT và quy định chuyển tiếp.


Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông - Dương Khắc Mai: Các cơ quan soạn thảo gửi tài liệu trình kỳ họp rất chậm so với quy định, gây khó khăn cho các đại biểu trong công tác nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng tác động, làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng pháp luật.

Kéo dài thời hiệu kỷ luật hành chính: 5 năm với khiển trách, 10 năm với cảnh cáo

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng, quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức tại Luật Cán bộ, công chức (Điều 80) và Luật Viên chức (Điều 53) chưa bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định mới về kỷ luật của Đảng, dẫn tới một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính thì hết thời hiệu theo quy định của Luật, làm giảm tính nghiêm minh trong xử lý vi phạm theo pháp luật của Nhà nước.


Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Dương Văn An: Đề nghị bố trí khu vực để đại biểu Quốc hội có thể giải quyết công việc riêng của ngành, địa phương khi thật sự cấp bách; còn tại hội trường đề nghị phá sóng để đại biểu tập trung cao nghiên cứu tham gia kỳ họp; công tác biên bản phiên họp cần tối giản vì đã có ghi âm toàn bộ.

Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, quan điểm, yêu cầu trong các văn bản của Đảng, các đại biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ quy định áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.

Phát biểu thảo luận tại tổ, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng - Tổ trưởng Tổ thảo luận số 5 khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Nội quy Kỳ họp sẽ góp phần nội quy hóa những vấn đề cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội, bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội.


Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu thảo luận tại tổ.

Thống nhất với tờ trình và dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề xuất quan tâm thêm một số nội dung như: nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các dữ liệu để phát hiện các giao dịch đáng ngờ và dấu hiệu tội phạm; bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như: mua, bán, cho thuê bất động sản, mua, bán sáp nhập doanh nghiệp; bổ sung quy định về việc quản lý, quyền sử dụng thông tin dữ liệu thu được từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc bảo mật và công bố thông tin trong quá trình thực hiện PCRT; rà soát để quy định về PCRT bảo đảm chặt chẽ nhưng cũng không để lợi dụng, lạm dụng quyền hạn; có quy trình thực hiện đầy đủ, chặt chẽ; có cơ chế thanh tra, kiểm tra; cần cân nhắc quy định về hình thức, phương thức lưu trữ hồ sơ, tài liệu phù hợp.

Tại phiên thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cũng thống nhất cao đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng theo Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị, qua đó, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ để thực hiện thống nhất các quy định về nội dung này.

 Theo BHT 
Link gốc: https://baohatinh.vn/chinh-tri/dam-bao-thoi-hieu-xu-ly-ky-luat-hanh-chinh-voi-xu-ly-ky-luat-cua-dang/239362.htm


Thêm ý kiến góp ý

 Ý kiến của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại

Thống kê trong ngày

Lượt truy cập:   4.534
Tổng số truy cập:   312.343.234

Sự kiện